Dự trữ kim loại giảm một nửa trên toàn cầu

Admin
Hệ thống kho chứa trên toàn cầu của Sàn giao dịch Kim loại London (LME) tính đến cuối tháng 12/2022 chỉ nắm giữ 654.345 tấn kim loại, chỉ bằng một nửa so với cuối năm 2021. Đó là mức tồn trữ thấp nhất trong thế kỷ này, phản ánh 2 năm liền lượng kim loại được rút ra đều đặn, khiến các kho dự trữ nhiều loại kim loại, như kẽm và chì, gần như cạn kiệt.

Các nhà khai thác kho của LME đã cắt giảm 15% dung lượng lưu trữ trong 12 tháng qua do lượng kim loại trên thị trường ngày càng ít đi.

Hiện tượng đó không chỉ xảy ra ở sàn LME. Lượng tồn trữ trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (ShFE) cũng kết thúc năm ở mức thấp nhất kể từ 2007.

Lượng tồn kho ở các sàn giao dịch chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn về lượng tồn trữ, nhưng có thể tác động mạnh đến giá cả, đặc biệt là gây ra sự chênh lệch lớn giữa các kỳ hạn. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các kim loại cơ bản của sàn LME đều trải qua những đợt khan hàng cực độ trong vài năm qua.

Đã có hiện tượng sụt giảm lượng tồn trữ không có bảo hành nằm ngoài LME, là kim loại đang được cất giữ ngoài hệ thống kho của LME nhưng có khả năng được cung cấp trong một thời gian ngắn vì nằm gần các kho dự trữ của LME.

Tình trạng hỗn loạn có thể sẽ còn tái diễn cho đến khi xây dựng lại lượng tồn trữ một cách bền vững - tăng trở lại mức như trước đây.

Dự trữ kim loại giảm một nửa trên toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng lượng tồn trữ có đăng ký của sàn LME.

Tình trạng khan hiếm vẫn đang tiếp diễn

Lượng tồn trữ tất cả các kim loại cơ bản đã đăng ký của sàn LME đều giảm trong năm ngoái, ngoại trừ thiếc tăng nhẹ 950 tấn lên 2.995 tấn. Mặc dù tăng nhưng đó vẫn là mức tồn trữ rất thấp so với trước đây và chỉ đủ cho cả thế giới dùng trong vài ngày.

Tồn trữ đồng kết thúc năm không thay đổi, ở mức 88.550 tấn. Vào đầu năm 2022, lượng tồn trữ có xu hướng tăng, nhưng đã đảo ngược và giảm trong nửa cuối năm.

Tồn trữ nickel đã đăng ký của sàn LME giảm 45% vào tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước đó, trong khi tồn trữ nhôm giảm 52%, chì giảm 54% và kẽm giảm 85%.

Ngay cả con số tổng tồn trữ 654.345 tấn vào cuối tháng 12 cũng có vẻ không thực. Khoảng 45% trong số đó ở thời điểm kiểm đếm đang chờ dỡ hàng, khiến lượng hàng tồn trữ thực tế chỉ còn 357.000 tấn.

Lượng tồn trữ không có bảo hành cũng đã lao dốc trong vài năm qua, tính đến cuối tháng 11/2022 chỉ là 239.386 tấn, giảm so với 1.879.261 tấn vào cuối năm 2020.

Hầu hết lượng tồn trữ ẩn danh là nhôm, chiếm 189.000 tấn vào cuối tháng 11, hầu như tất cả đều ở các địa điểm tại châu Á, nơi tiếp tục chứng kiến sự luân chuyển của kim loại giữa các kho dự trữ trên sàn giao dịch và kho dự trữ ẩn danh.

Dự trữ kim loại giảm một nửa trên toàn cầu - Ảnh 2.

Mức chênh lệch giá nhôm giữa hợp đồng trên giấy và hợp đồng hàng thực đã giảm khỏi mức cao của năm 2022.

Sự cạnh tranh trên thị trường hàng thực (physical)

Sự cạnh tranh giao dịch hàng thực trên sàn LME là do chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng, trước hết là do dịch Covid-19, sau đó là do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Những người sử dụng kim loại ở các thị trường phương Tây đã sẵn sàng trả những mức giá cao hơn rất nhiều so với khách hàng ở những khu vực khác để đủ hấp dẫn người bán nhằm lấp đầy những khoảng trống về nhu cầu tiêu thụ của họ.

Ví dụ, việc đóng cửa nhà máy luyện kẽm ở châu Âu có nghĩa là một tấn kẽm tinh chế có thể có giá cao hơn 500 đô la so với giá hợp đồng giao tiền ngay (cash) mà sàn LME đưa ra. Mức chênh lệch này đang giảm, nhưng hợp đồng kẽm giao tiền nay trên sàn LME hiện vẫn có giá cao hơn khoảng 20 USD so với kỳ hạn 3 tháng. Tình trạng khan hiếm hàng thực dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong năm 2023, đối với tất cả các kim loại cơ bản.

Mức cộng giá nhôm hàng thực so với hợp đồng giao tiền ngay đã đạt mức cao kỷ lục vào quý 2/2022, sau đó giảm dần, nhưng hiện một tấn phôi nhôm hàng thực ở Trung Tây nước Mỹ vẫn có thể yêu cầu mức giá cao hơn khoảng 550 USD so với hợp đồng giao tiền ngay trên sàn LME và cao hơn 200 USD ở các thị trường châu Âu so với ở sàn LME.

Chỉ ở châu Á, mức cộng giá kim loại hàng thực mới không quá cao, chỉ khoảng 80 USD, đủ thấp để cho phép các kho của sàn LME cạnh tranh để tăng lượng tồn trữ.

Dự trữ kim loại giảm một nửa trên toàn cầu - Ảnh 3.

Tổng lượng kim loại có đăng ký của sàn Thượng Hải.

Xuất khẩu mạnh từ Trung Quốc

Tổng lượng dự trữ có đăng ký trong mạng lưới kho của sàn ShFE ở mức 228.797 tấn vào cuối tháng 12, giảm so với 512.368 tấn vào cuối năm 2021.

Đó là mức tồn trữ cuối năm thấp nhất kể từ năm 2007, mặc dù so sánh không chính xác vì sàn ShFE chỉ giao dịch nhôm, đồng và kẽm vào thời điểm đó (năm 2007). Chì đã được thêm vào năm 2011 và thiếc và niken được bổ sung vào năm 2015.

Tồn trữ nhôm ghi nhận mức giảm lớn nhất so với cùng kỳ, giảm 70% trong tháng 12/2022, là dưới 100.000 tấn lần đầu tiên kể từ năm 2016. Tồn trữ kẽm giảm 65% và tồn trữ chì giảm 59% vào tháng 12/2022.

Điều đáng chú ý là một lượng đáng kể cả ba kim loại này đã rời khỏi Trung Quốc trong năm qua để tận dụng mức giá chênh lệch cao của phương Tây.

Xuất khẩu nhôm sơ cấp của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2022 là 195.000 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2009. Xuất khẩu kẽm trong cùng kỳ là 80.000 tấn, cao nhất kể từ năm 2015 và xuất khẩu chì là 100.000 tấn, cao nhất kể từ năm 2007.

Gia tăng lượng tồn trữ nhưng chỉ mang tính chất mùa vụ

Lượng tồn trữ trên sàn ShFE đã bắt đầu năm 2023 với hiện tượng tăng vọt trước thềm Tết Nguyên đán đang đến gần.

Đây là một hiện tượng theo mùa khi người sử dụng tạm dừng hoạt động để chuẩn bị đón Tết cổ truyền – ngày lễ quan trọng nhất ở Trung Quốc. Việc xây dựng lại nguồn cung trong năm nay có thể được thực hiện sau khi nhu cầu ở Trung Quốc bị ảnh hưởng kéo dài vì dịch COVID-19, nhưng từ mức tồn trữ cơ sở đặc biệt thấp. Và nếu thực tế năm nay vẫn như mọi năm thì lượng tồn trữ sẽ quay đầu giảm khi lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc mở cửa trở lại để kinh doanh sau Tết.

Còn đối với sàn LME, việc làm đầy dần các kho dự trữ là điều gần như không thể dưới bất kỳ hình thức nào, dù là theo mùa hay chu kỳ.

Về lý thuyết, suy thoái kinh tế ở châu Âu có nghĩa là sẽ có nhiều kim loại trong kho, chưa kể khối lượng kim loại từ Nga tràn vào. Tuy nhiên, cho đến nay, lượng hàng cung cấp tới các kho vẫn rất khan hiếm.

Tham khảo: Reuters