Theo đó, EVNHCMC đã đạt 71,4 điểm (bằng điểm với các công ty điện lực Western Power (Australia), Duke Energy (Mỹ), Toronto Hydro (Canada) và TNB (Malaysia), tăng 3,6 điểm và 6 hạng so với bảng đánh giá năm 2021 (67,9 điểm, xếp hạng 53/86) với chỉ số nổi bật "Giám sát và điều khiển" xếp thứ 47/94 công ty điện lực và đứng vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau SP Group với 75 điểm, xếp hạng 42/94).
Trong năm 2022, đã có 94 công ty Đđện lực trên thế giới tham gia chấm điểm, xếp hạng "Lưới điện thông minh" theo bộ chỉ số SGI (Smart Grid Index) của SP Group, tăng thêm 8 công ty so với năm 2021 (86 công ty) và đều tăng dần trong các năm 2019, 2020. Điều này cho thấy phát triển lưới điện thông minh đang là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các công ty điện lực trên thế giới cũng như thể hiện rõ tính minh bạch, hiệu quả của bộ chỉ số SGI do SP Group phát triển, phản ứng đúng mức độ thông minh lưới điện của các công ty điện lực tham gia đánh giá.
Vai trò của lưới điện thông minh
Với mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và đảm bảo an ninh năng lượng, từ những năm 2000, các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Australia, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, … đã bắt đầu thúc đẩy phát triển các nguồn phát điện sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt, điện từ đốt rác. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo (thường là các nguồn phân tán) cùng với những tiến bộ công nghệ số đang có những tác động mạnh mẽ tới sự phát triển Lưới điện thông minh tại các Quốc gia trên thế giới.
Việc tích hợp ngày càng nhiều các nguồn năng lượng phân tán vào lưới điện truyền tải và phân phối đặt ra những thách thức mới đối với các công ty điện lực, vì lưới điện truyền thống chưa được thiết kế để xử lý sự tương tác từ hai chiều giữa nguồn phát điện và các phụ tải cũng như các đặc tính thay đổi liên tục của nguồn năng lượng phân tán. Bên cạnh đó, những thách thức như đáp ứng các mục tiêu môi trường, thay đổi nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng đã thúc đẩy các công ty điện lực chuyển đổi lưới điện hiện hữu thành lưới điện thông minh.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là một trong những nội dung hết sức quan trọng.
Trong quá trình phát triển đất nước, điện là hạ tầng quan trọng hàng đầu, cốt lõi cho sự phát triển của nền kinh tế và an sinh xã hội.
TPHCM, với vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện bình quân của các nhóm tiêu dùng như hộ gia đình, thương mại, và công nghiệp luôn cao hơn so với các thành phố khác.
Tốc độ tăng trưởng sản lượng điện tiêu thụ toàn Thành phố trong giai đoạn 2013-2019 là 7%/năm, đáp ứng đầy đủ cho tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình 7%-9%/năm. Trong các giai đoạn phát triển sắp tới, dự báo nhu cầu điện tiêu thụ tiếp tục tăng để đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình xây dựng đô thị thông minh của TPHCM.
Sản lượng điện thương phẩm năm 2022 của Thành phố đạt 27 tỷ kWh, chiếm khoảng 11,1% sản lượng tiêu thụ điện của cả nước (242,3 tỷ kWh), công suất đỉnh đạt 4.529 MW, cũng chiếm xấp xỉ 10% công suất đỉnh của cả nước (45.528 MW), sản lượng ngày cao nhất đạt 92,1 triệu kWh. Trong đó, thành phần phục vụ quản lý, tiêu dùng dân cư chiếm 44,9%; thành phần điện phục vụ công nghiệp, xây dựng chiếm 34,79%; còn lại là các thành phần thương nghiệp, khách sạn, nông lâm, thủy, hải sản…
Những nỗ lực của EVNHCMC
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc xây dựng hệ thống lưới điện thông minh là một đòi hỏi tất yếu khách quan nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, đồng thời thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, EVNHCMC luôn quan tâm đến môi trường theo mục tiêu góp phần đưa TPHCM trở thành nhân tố chủ động và tích cực đóng góp cho cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Qua hơn 10 năm nghiên cứu, xây dựng và triển khai, đến nay, EVNHCMC đã phát triển được hệ thống lưới điện thông minh trên địa bàn Thành phố với đầy đủ các cấu phần theo đúng chuẩn mực quốc tế gồm: Giám sát và điều khiển; phân tích dữ liệu; độ tin cậy cung cấp điện; tích hợp nguồn phân tán; năng lượng xanh; an ninh bảo mật; trao quyền cho khách hàng và đáp ứng sự hài lòng của khách hàng.
Tất cả các chương trình thí điểm, lộ trình xây dựng và đề án phát triển lưới điện thông minh đều do nội lực EVNHCMC thực hiện, sử dụng hiệu quả Quỹ Khoa học công nghệ trên cơ sở nguồn lực của EVNHCMC (nhân lực, tài lực, vật lực) để làm chủ công nghệ và phù hợp với hiện trạng lưới điện TPHCM.
Chia sẻ về những lợi ích và hiệu quả từ lưới điện thông minh, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết lưới điện thông minh sẽ giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện: số lần mất điện bình quân của khách hàng (SAIFI) giảm từ 25,04 lần (năm 2011) xuống còn 0,47 lần (năm 2022); thời gian mất điện bình quân của khách hàng (SAIDI) giảm từ 3.433 phút (năm 2011) xuống còn 35 phút (năm 2022), ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và tương đương với chỉ số của một số thành phố hiện đại tại châu Âu, châu Mỹ.
Bên cạnh đó, lưới điện thông minh sẽ cung cấp cho khách hàng nhiều thông tin hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đồng thời đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng. Đồng thời, thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cũng như thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và sạch.
Đặc biệt, lưới điện thông minh giúp giảm tổn thất điện năng của EVNHCMC trong năm 2022 xuống còn 2,93%, giảm sâu so với năm 2011 (5,76%), ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới (tổn thất điện năng của EVN là 6%, Hàn Quốc là 3%). Vì thế, với chỉ tiêu tổn thất điện năng 2,93% thì có thể nói đây là chỉ tiêu tiệm cận với yếu tố kỹ thuật, một trong những cố gắng, nỗ lực hiệu quả của EVNHCMC.
Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết EVNHCMC đã xây dựng kế hoạch phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030 với định hướng phát triển theo chiều sâu, tập trung vào mảng công tác quan trọng là năng lượng xanh và sạch, thúc đẩy chuyển đổi số giúp Thành phố nhanh chóng đạt mục tiêu về tối ưu phát thải và EVNHCMC trở thành doanh nghiệp số, đạt mục tiêu lọt vào TOP 50 công ty điện lực có lưới điện thông minh trên thế giới. Tuy nhiên, ngay từ năm 2023, Tổng công ty đã đạt được mục tiêu này cho thấy những kế hoạch mà EVNHCMC đã về đích./.
Minh Thi