Giới siêu giàu "đốt" tiền như thế nào?

Admin
Năm 2021, hơn 51.000 người gia nhập hàng ngũ những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao (UHNWI - có tài sản từ 30 triệu USD trở lên), theo Báo cáo Thịnh vượng năm 2022 của công ty tư vấn toàn cầu Knight Frank. Vậy giới siêu giàu làm gì với tiền của họ trong năm 2022?

Chứng khoán

Theo báo cáo của CNBC, 10% hộ gia đình Mỹ giàu nhất hiện sở hữu 89% tổng số chứng khoán của Mỹ. Bất chấp thực tế rằng năm 2022 là một năm khó khăn đối với thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các nhà đầu tư tỷ phú vẫn tiếp tục bỏ tiền vào chúng. Trên thực tế, họ coi đó là cơ hội để mua vào với giá thấp. Vậy họ đã mua những cổ phiếu nào?

Fintech (công nghệ tài chính) dường như là một lĩnh vực yêu thích của nhiều tỷ phú. Ông Paul Singer, Chủ tịch của Elliott Investment Management, đã mua khoảng 2 tỷ USD cổ phần của PayPal Holdings trong năm 2022. Ông Jeff Yass, người đồng sáng lập Susquehanna International, mua thêm gần 6,6 triệu cổ phiếu của Amazon trong quý II, nâng tổng số lên khoảng 15,2 triệu cổ phiếu. Và một trong những nhà đầu tư chứng khoán nổi tiếng nhất thế giới, Warren Buffett, đã mua 30 triệu cổ phiếu của Ally Financial (tính đến tháng 8), bên cạnh nhiều cổ phiếu khác như Occidental Petroleum, Chevron, HP…

 Giới siêu giàu đốt tiền như thế nào? - Ảnh 1.

Nhà đất

Mặc dù thị trường địa ốc đang nóng đột ngột hạ nhiệt, bất động sản vẫn tiếp tục là một khoản đầu tư sinh lợi cho những người giàu có. Có lẽ đó là vì gần 90% UHNWI đã xây dựng và duy trì sự thịnh vượng của họ bằng cách đầu tư vào bất động sản. Báo cáo Thịnh vượng năm 2022 của Knight Frank cho thấy, UHNWI nắm giữ dưới 2/3 số tài sản của họ dưới dạng bất động sản, mỗi người sở hữu trung bình 3 ngôi nhà.

Một số giao dịch nhà đất nổi bật trong năm 2022 diễn ra tại các điểm nóng về bất động sản như Los Angeles, New York (Mỹ)… Người thừa kế biệt thự Firenze ở khu Beverly Park mà doanh nhân công nghệ sinh học Roy Eddleman (qua đời hồi tháng 6/2022) mua với giá 51 triệu USD năm 2021 đang rao bán siêu dinh thự 12 phòng ngủ, 16 phòng tắm với giá 120 triệu USD, mức giá cao thứ 5 trên thị trường bất động sản ở hạt Los Angeles, bang California, Los Angeles Times đưa tin. Diễn viên Hollywood Mark Wahlberg cũng đang rao bán ngôi nhà của mình ở khu Beverly Park với giá 87,5 triệu USD. Trước đó, hồi tháng 2, tài tử gạo cội Sylvester Stallone bán nhà cho ca sĩ Anh lừng danh Adele với giá 58 triệu USD.

Du hành vũ trụ

Năm 2021 đã khởi động cuộc đua tỷ phú trong không gian, với những người như Jeff Bezos, Elon Musk, Richard Branson… đổ hàng tỷ đô la vào các chương trình bay vào vũ trụ. Jeff Bezos, ông chủ Amazon, đã bỏ ra 5,5 tỷ USD để trải nghiệm bốn phút trong không gian dưới quỹ đạo trong con tàu Blue Origin của ông. Không có dấu hiệu nào cho thấy các chuyến du hành vũ trụ mang tính cá nhân chậm lại trong năm 2022 và 2023.

Tỷ phú Jared Isaacman, người đã bay trên phi thuyền Inspiration4 của hãng SpaceX vào năm 2021, đã mua thêm 3 chuyến bay của hãng, Washington Post đưa tin. Trong 3 chuyến bay này, chuyến đầu tiên (tên là Polaris) dự kiến được thực hiện trong một ngày cuối năm 2022. “Chúng tôi sẽ đi vào không gian xa hơn những người khác đã đi kể từ lần cuối cùng chúng ta đi bộ trên Mặt trăng”, ông Isaacman nói.

Tháng 2/2022, công ty du lịch vũ trụ Mỹ Virgin Galactic bắt đầu bán vé cho công chúng. Giá vé cho một chuyến du hành vũ trụ kéo dài 90 phút là 450.000 USD. Virgin Galactic có kế hoạch bán 1.000 vé cho các chuyến bay thương mại, phóng từ sân bay vũ trụ New Mexico từ cuối năm 2022.

Quyên góp từ thiện

Nhiều UHNWI không chỉ tiêu tiền cho bản thân mà còn cam kết dành phần lớn tài sản của họ cho những người cần tiền hơn. Tỷ phú Bill Gates tuyên bố hồi tháng 7/2022 rằng, ông sẽ quyên góp 20 tỷ USD cho Quỹ Bill & Melinda Gates, Bloomberg đưa tin. Người đồng sáng lập hãng Microsoft nhắc lại cam kết cho đi gần như toàn bộ tài sản của mình để cuối cùng ông hoàn toàn bị loại khỏi danh sách những người giàu nhất thế giới. Bà MacKenzie Scott, vợ cũ của ông Jeff Bezos, cũng nổi tiếng là người cho đi khối tài sản kếch xù. Gần đây, bà tặng hai biệt thự trị giá khoảng 55 triệu USD ở thành phố Beverly Hills, hạt Los Angeles cho Quỹ Cộng đồng California.

 Giới siêu giàu đốt tiền như thế nào? - Ảnh 2.

Tỷ phú Bill Gates và vợ Melinda (đã ly hôn) thành lập Quỹ Bill & Melinda Gates, tổ chức từ thiện lớn thứ hai thế giới. Quỹ này cam kết đóng góp hơn 2 tỷ USD để ứng phó đại dịch COVID-19. Ảnh: Getty Images

Sự đóng góp hào phóng của các UHNWI đã giúp ích cho nhiều cá nhân, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng, người giàu có xu hướng làm từ thiện theo cách có lợi cho bản thân và vị thế xã hội của họ, như trao tặng tài sản cho trường cũ, tổ chức nghệ thuật chính thống. Chỉ có 0,1% tỷ phú quyên góp để cung cấp chỗ ở cho người vô gia cư và con số tương tự quyên góp cho các tổ chức tập trung vào việc cung cấp thức ăn cho người đói, theo nghiên cứu của hãng Wealth-X.

“Bên ngoài hối hả, bên trong thong thả”

Hơn một nửa số triệu phú, tỷ phú Đức được phỏng vấn theo đuổi các môn thể thao cạnh tranh hoặc nghiệp dư ở trình độ rất cao; không có mối tương quan giữa thành tích ở trường phổ thông, đại học với mức độ giàu có sau này; hầu hết cha mẹ họ chỉ đủ ăn nhưng không làm thuê cho người khác; họ coi việc bán hàng là quá trình thuyết phục những người khác; họ không đổ lỗi khi gặp thất bại, rất bình tĩnh, lạc quan, “bên ngoài hối hả, bên trong thong thả”… Đó là một trong số những kết luận mà GS.TS Rainer Zitelmann (Đức) đưa ra trong luận án tiến sĩ thứ hai của ông.

Theo ông Zitelmann, hầu hết mọi người đều có 5 nhân tố để thành công với tiền bạc, chỉ khác biệt ở mức độ. Đó là nhạy cảm, sự hướng ngoại, cởi mở với trải nghiệm, dễ hòa hợp và tận tâm. Một đặc điểm chung của đa số người giàu là sự dễ hòa hợp.

Lối sống “thực dụng” của triệu phú

Theo nhà nghiên cứu, giảng viên Thomas Stanley (Mỹ), tác giả cuốn “The Millionaire Next Door: The Surprising Secrets of America’s Wealthy” và cuốn “The Millionaire Mind” (tựa tiếng Việt là “Lối sống ‘thực dụng’ của triệu phú”), với nhiều triệu phú Mỹ, việc đạt được độc lập tài chính quan trọng hơn nhiều so với việc đạt được địa vị cao trong xã hội. Việc lập kế hoạch đầu tư và tham vấn với các cố vấn thường chiếm phần lớn danh sách hoạt động của họ, nhưng họ không phụ thuộc vào các món đồ tiêu dùng để tận hưởng cuộc sống.

“Tiêu dùng điều độ và sống lành mạnh, có kỷ luật là những đặc điểm nổi bật của người giàu ở Mỹ… Niềm vui và sự hài lòng của họ liên quan nhiều hơn đến gia đình, bạn bè, tôn giáo, sự độc lập về tài chính, tập luyện thể chất và có lẽ một chút chơi golf. Nhìn theo cách khác, không gì đáng thương hơn một người không có bạn thân, không có gia đình yêu thương nhưng lại có hàng triệu đô la tiêu dùng”, tiến sĩ Thomas Stanley viết.