Giới siêu giàu Việt có hơn 1.000 người, ông Phạm Nhật Vượng giàu nhất

Admin
TPO - Số người siêu giàu với tài sản đạt trên 30 triệu USD đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2022, giới siêu giàu Việt có 1.059 người. Dự báo đến năm 2027, số người siêu giàu tại Việt Nam là gần 1.300 người.

Theo báo cáo thịnh vượng mới nhất của Knight Frank - tập đoàn tư vấn bất động sản có trụ sở chính tại Anh, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam với tài sản trên 30 triệu USD (tương đương hơn 700.000 tỷ đồng) đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2022.

Cụ thể, từ 583 cá nhân ở Việt Nam có tài sản ròng trên 30 triệu USD năm 2017, đến cuối năm ngoái con số này đã lên đến 1.059 người, tăng 82% chỉ sau 5 năm. Dự báo đến năm 2027, số người siêu giàu này sẽ tăng lên gần 1.300 người, tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm.

Cùng với giới siêu giàu, số người giàu với tài sản từ 1 triệu USD trở lên ở Việt Nam cũng đã tăng 70% trong 5 năm qua.

Một báo cáo đầu năm 2023 của Knight Frank cũng cho thấy, số lượng người siêu giàu với tài sản đạt trên 30 triệu USD của Việt Nam đang đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN-6.

Giới siêu giàu Việt có hơn 1.000 người, ông Phạm Nhật Vượng giàu nhất ảnh 1

Thống kê số lượng tỷ phú và giới siêu giàu qua các năm của Knight Frank.

Theo thống kê, năm 2021 Việt Nam có 72.135 triệu phú USD. Với con số này, Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Thái Lan và Indonesia. Dự báo sau 4 năm nữa, con số triệu phú USD tại Việt Nam sẽ đạt đến 114.807 người.

Báo cáo của Knight Frank cho thấy, sự thay đổi trong nhóm dân số giàu và siêu giàu tại Việt Nam cũng nằm trong xu hướng thịnh vượng trên toàn châu Á. Theo đó Singapore, Malaysia và Indonesia dẫn đầu các thị trường có dân số siêu giàu tăng trưởng nhanh nhất, khoảng 7-9%. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lượng dân số siêu giàu đã tăng ngoạn mục gần 51% trong vòng 5 năm tính đến năm 2022.

Bà Christine Li - Giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank - cho biết, theo số liệu từ báo cáo thịnh vượng, sau mức tăng kỷ lục 7,5% năm 2021, dân số siêu giàu châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 5,7% trong năm 2022. Dù vậy, có 3 trong số 10 thị trường có dân số siêu giàu tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu là các quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Indonesia và Malaysia) với mức tăng từ 7-9%. Về lâu dài, khu vực này vẫn còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển thịnh vượng, dẫn đầu về lượng dân số siêu giàu và cơ hội phát triển kinh tế.

Báo cáo mới nhất của công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners cũng cho thấy, TPHCM hiện có 7.700 người sở hữu tài sản có thể đầu tư từ 1 triệu USD trở lên, trong đó 15 người có 100 triệu USD và 3 tỷ phú USD.

"TPHCM đang nổi lên là một điểm nóng tiếp theo về triệu phú của châu Á. Thành phố này ghi nhận sự tăng trưởng của các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, dệt may, công nghệ, điện tử, viễn thông, hóa chất và du lịch", ông Amoil - Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu tài sản New World Wealth, đơn vị hợp tác đưa ra báo cáo trên cùng Henley & Partners - đánh giá.

Giới siêu giàu Việt có hơn 1.000 người, ông Phạm Nhật Vượng giàu nhất ảnh 2
Ông Phạm Nhật Vượng vẫn đứng đầu danh sách tỷ phú USD Việt Nam.

Việt Nam có 6 tỷ phú USD trong danh sách giàu nhất hành tinh

Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 do Forbes vừa công bố hồi tháng 4, Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú USD trong danh sách người giàu nhất thế giới, giảm 1 người so với năm 2022.

Các tỷ phú USD gồm: Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco Group) Trần Bá Dương.

Trong số những tỷ phú USD Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng vẫn giữ vị trí dẫn đầu khi sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,6 tỷ USD, đồng thời cũng là người giàu thứ 586 trên thế giới. Dù vậy, tài sản của ông Vượng đã giảm mạnh so với ước tính của Forbes vào đầu năm 2022 với 6,2 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air trở lại vị trí thứ 2 với tài sản trị giá 2,3 tỷ USD - xếp hạng 1.318 trên toàn cầu. So với 1 năm trước, tài sản bà Thảo cũng bị giảm 800 triệu USD. Trong khi đó, "vua thép" Trần Đình Long từ vị trí thứ 2 của năm trước nay lùi xuống thứ 3 với tài sản đạt 1,8 tỷ USD. Giá cổ phiếu Hòa Phát giảm mạnh trong thời gian qua có thể là nguyên nhân khiến tài sản của ông Long giảm sâu, sụt mất 1,4 tỷ USD sau 1 năm.

Người có thứ hạng gia tăng trên danh sách tỷ phú USD Việt Nam là ông Trần Bá Dương của Tập đoàn Ô tô Trường Hải. Năm nay ông Trần Bá Dương được ước tính có tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 4. Tài sản tỷ phú Trần Bá Dương chỉ giảm 200 triệu USD so với đầu năm 2022.

Tiếp theo là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - hiện sở hữu tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 800 triệu USD và cuối cùng là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản 1,2 tỷ USD, thấp hơn 700 triệu so với 1 năm trước.

Để lọt vào top 1% dân số có tài sản lớn nhất Việt Nam, bạn cần có tài sản tối thiểu là 291.334 USD. Để lọt vào top 10% thì bạn cần có tài sản tối thiểu 68.680 USD. Tài sản trung bình của những người nằm trong top 5% dân số giàu nhất năm 2021 là 316.658 USD (tương đương 7,8 tỷ đồng), top 10% giàu nhất là 181.132 USD (tương đương 4,1 tỷ đồng). Trong khi, tài sản trung bình của 50% người nghèo nhất chỉ là 3.429 USD (gần 78 triệu đồng).