Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các khu công nghệ cao

Admin
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc thiếu quy định hướng dẫn về quy hoạch, thành lập, mở rộng cũng như quy định về tổ chức hoạt động đã gây lúng túng cho địa phương.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về khu công nghệ cao nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động của các khu công nghệ cao.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sự ra đời của Luật Công nghệ cao năm 2008 đã thể chế hóa các chính sách lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở nước ta, trong đó việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ cao được tập trung chủ yếu thông qua một số nhiệm vụ chủ chốt, trong đó có tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Điều 32 Luật Công nghệ cao).

Kể từ khi Luật Công nghệ cao được ban hành năm 2008, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về đầu tư, phát triển và quản lý đối với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều này đã gây nên nhiều bất cập trong các hoạt động quản lý. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ nhưng đề xuất thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi chưa có đủ điều kiện về đất đai, quy hoạch, nguồn lực..., hoặc chỉ tập trung vào sản xuất, các chức năng khác như nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao... chưa được chú trọng nên chưa có vai trò hạt nhân lan tỏa, phục vụ thúc đẩy phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp.

Việc thiếu các quy định hướng dẫn về quy hoạch, thành lập, mở rộng cũng như quy định về tổ chức hoạt động đã gây lúng túng cho các địa phương, các ban quản lý và các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực thi các chính sách đầu tư, xây dựng và tổ chức các hoạt động quản lý Nhà nước đối với các khu nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, đối với các khu công nghệ cao (theo quy định tại Điều 31 Luật Công nghệ cao), Nghị định số 99/2003/NĐ-CP cùng với việc ra đời của một số văn bản có liên quan đã bước đầu tạo được hành lang pháp lý cơ bản cho: hoạt động xây dựng và phát triển khu công nghệ cao; các hoạt động đầu tư, hoạt động khoa học và công nghệ, ươm tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao, thương mại hóa công nghệ cao…

Tuy nhiên đến nay, quy định tại các văn bản nói trên đã quá lỗi thời, nhiều điểm không còn phù hợp và không theo kịp với thực tiễn phát triển của các khu công nghệ cao trong cả nước. Rất nhiều quy định tại Nghị định số 99/2003/NĐ-CP bị hết hiệu lực do các quy định mới của pháp luật chuyên ngành như: quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế.

Các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ cao từ trước đây không còn phù hợp, đặc biệt sau khi một số Luật chuyên ngành ra đời và/hoặc được sửa đổi, bổ sung, cập nhật thì các ưu đãi được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đang có nhiều chuyển biến với những cơ hội và thách thức rất khác biệt so với giai đoạn trước đây, việc xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về khu công nghệ cao, bao gồm khu công nghệ cao quy định tại Điều 31 Luật Công nghệ cao (thay thế Nghị định số 99/2003/NĐ-CP) và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy định tại Điều 32 Luật Công nghệ cao, nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động của các khu công nghệ cao là cần thiết và cấp thiết, đảm bảo phù hợp với quy định của các luật mới được ban hành có liên quan, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển các khu công nghệ cao trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để các khu công nghệ cao phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Dự thảo Nghị định gồm 7 Chương, 47 Điều, quy định cụ thể các vấn đề sau: những quy định chung; phương hướng xây dựng, phương án phát triển khu công nghệ cao; thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; chính sách đối với khu công nghệ cao; hoạt động công nghệ cao trong khu công nghệ cao; quản lý Nhà nước đối với khu công nghệ cao; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của khu công nghệ cao; điều khoản thi hành.

Xác định các nhóm chính sách đối với khu công nghệ cao

Các chính sách đối với khu công nghệ cao được đề xuất thành các nhóm khác nhau căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành về đầu tư công, ngân sách Nhà nước, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, lao động, môi trường, an ninh trật tự… bao gồm: nhóm chính sách về đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao (mục 1 Chương III); nhóm chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (mục 2 Chương III); nhóm các sách khác (mục 3 Chương III).

Thứ nhất, nhóm chính sách về đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao.

Quy định các nguồn vốn đầu tư xây dựng khu công nghệ cao gồm ngân sách Nhà nước và khuyến khích các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghệ cao (với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sẽ được quy định tại Mục 2 Chương III).

Trong đó, việc xác định vai trò của ngân sách Nhà nước được quy định trên cơ sở kế thừa một số chính sách quy định tại Nghị định 99/2003/NĐ-CP, thực tiễn triển khai tại các khu công nghệ cao quy định tại Điều 31 Luật Công nghệ cao và kinh nghiệm về đầu tư cho phát triển các khu công nghệ cao trên thế giới.

Các quy định trên cũng có thể đồng thời giải quyết các vấn đề khó khăn tương tự về nguồn vốn đầu tư xây dựng và làm căn cứ xác định nguồn vốn đối với các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy định tại Điều 32 Luật Công nghệ cao.

Mức độ ưu tiên của ngân sách Nhà nước được xác định đối với một số hạng mục đầu tư xây dựng và vận hành cụ thể để đảm bảo mục tiêu phát triển khu công nghệ cao. Ngoài ra, dự thảo Nghị định đề xuất trong từng thời kỳ, căn cứ vào vị trí, vai trò và khả năng đóng góp của khu công nghệ cao đối với sự phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội của vùng và quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tương ứng đối với từng loại hình khu công nghệ cao theo quy định tại Điều 31 hoặc Điều 32 Luật Công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các khu công nghệ cao trọng điểm để làm căn cứ ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (khoản 4, 5 Điều 11).

Pháp luật chuyên ngành về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn giao thông… quy định hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao phải tuân thủ các yêu cầu theo quy định.

Tuy nhiên, do tại các văn bản pháp luật chuyên ngành, thuật ngữ liên quan đến hạ tầng kỹ thuật còn chưa đồng nhất, do đó, dự thảo Nghị định đề nghị thống nhất xác định các hạng mục “công trình hạ tầng kỹ thuật” trong khu công nghệ cao để đảm bảo hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành (khoản 2 Điều 11).

Ngoài ra, để thuận lợi đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, dự thảo Nghị định đề xuất quy định về tiêu chuẩn quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành các công trình hạ tầng đảm bảo hiện đại, đồng bộ, thân thiện môi trường …, đối với khu công nghệ cao quy định tại Điều 31 Luật Công nghệ cao tiến tới định hướng theo tiêu chuẩn đô thị thông minh.

Thứ hai, nhóm chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao được quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, tín dụng, kế toán và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, để dự thảo Nghị định thể hiện một cách tổng thể, có hệ thống các cơ chế, chính sách ưu đãi, giúp nhà đầu tư thuận tiện trong việc tìm hiểu, tiếp cận chính sách, dự thảo Nghị định quy định lại một số chính sách ưu đãi đã được quy định rải rác tại các Nghị định khác của Chính phủ.

Cùng với việc quy định vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng khu công nghệ cao, nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, trên cơ sở thực tiễn đã triển khai tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Nghị định số 74/2017/NĐ-CP về cơ chế chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc), dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu công nghệ cao quy định theo khoản 1 Điều 30 Luật Công nghệ cao tại các Điều 13 và Điều 14 (cụ thể về chế độ sử dụng đất, cơ chế quản lý, vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật có sự tham gia của Chủ đầu tư hạ tầng… sẽ được quy định cụ thể tại Mục 3 Chương III về các nhóm chính sách khác liên quan đến quản lý khu công nghệ cao).

Dự thảo Nghị định cũng quy định các chính sách đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao trên cơ sở tham khảo các quy định áp dụng đối với cơ sở ươm tạo doanh nghiệp vừa và nhỏ và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Điều 15; chính sách đối với doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao trên cơ sở thực tiễn quy định và triển khai tại các khu công nghiệp tại Điều 16 (các quy định xác định doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao tại khoản 2 Điều 28).

Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật để thu hút các dự án đầu tư, nhân lực công nghệ cao vào khu công nghệ cao... (khoản 5 Điều 12, khoản 4 Điều 14).

Thứ ba, nhóm chính sách khác.

Bao gồm các chính sách liên quan đến quản lý hoạt động khu công nghệ cao, gồm: quản lý quy hoạch, xây dựng (Điều 17); quản lý, sử dụng đất đai (Điều 18); quản lý bảo vệ môi trường, lao động, an toàn và vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy, an ninh trật tự và các hoạt động khác (Điều 19); quản lý hoạt động đầu tư (Điều 20); quản lý, vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật (Điều 21); xuất cảnh, nhập cảnh, tạm trú, lưu trú trong khu công nghệ cao (Điều 22). Các nội dung dự thảo được xây dựng căn cứ quy định tại các luật chuyên ngành có liên quan.

Để đảm bảo các dự án đầu tư phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của khu công nghệ cao, dự thảo Nghị định quy định cụ thể trong quy trình đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm giải trình và cam kết việc đảm bảo các tiêu chí (tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình dự án quy định tại chương IV), tại hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ban quản lý khu công nghệ cao tổ chức thẩm định nội dung này theo trình tự thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (khoản 2 Điều 19).

Đồng thời, các cam kết thực hiện của nhà đầu tư được ghi tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất/Quyết định cho thuê đất làm căn cứ giám sát, đánh giá đầu tư, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm khi không thực hiện đúng tiêu chí (khoản 3 Điều 19).

Về cơ chế đối với khu công nghệ cao thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư hạ tầng, việc xác định cơ chế chính sách quản lý để vừa đảm bảo ưu đãi cho các Chủ đầu tư hạ tầng nhưng vẫn kiểm soát được các dự án đầu tư có hoạt động công nghệ cao (dự án đầu tư thứ cấp) đúng với mục tiêu, định hướng phát triển của khu công nghệ cao, dự thảo Nghị định đã đề xuất quy định về chế độ sử dụng đất (khoản 4 Điều 18) trên cơ sở tham khảo mô hình thực tiễn đã áp dụng triển khai đối với khu công nghệ cao Hòa Lạc theo quy định tại Nghị định số 74/2017/NĐ-CP. Một số quy định cụ thể gồm:

Đối với diện tích xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, đất sử dụng công cộng theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt trong phạm vi khu vực đầu tư, Ban quản lý khu công nghệ cao cho Chủ đầu tư hạ tầng thuê để đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực đất sử dụng công cộng (điểm a khoản 3 Điều 18).

Đối với phần diện tích phục vụ các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng (không bao gồm diện tích đất quy định tại điểm a khoản này), căn cứ tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và kế hoạch thu hút đầu tư, Ban quản lý khu công nghệ cao có văn bản chấp thuận giao Chủ đầu tư hạ tầng thực hiện việc chuẩn bị mặt bằng hoặc xây dựng nhà xưởng cho thuê. Sau khi hoàn thành chuẩn bị mặt bằng hoặc xây dựng nhà xưởng cho thuê, Chủ đầu tư hạ tầng bàn giao lại đất cho Ban quản lý khu công nghệ cao (điểm b khoản 3 Điều 18).

Các quy định nêu trên sẽ tránh được vướng mắc đối với trường hợp chủ đầu tư hạ tầng được thuê toàn bộ đất khu công nghệ cao để phát triển hạ tầng sau đó cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại mà không kiểm soát được tiêu chí đầu vào dự án đầu tư thứ cấp, đồng thời vẫn đảm bảo: Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghệ cao; Thống nhất vai trò của Nhà nước trong quản lý theo ngành, lĩnh vực, đảm bảo việc xây dựng, phát triển, quản lý vận hành các khu công nghệ cao theo đúng định hướng (trong đó đặc biệt là kiểm soát được việc đáp ứng tiêu chí đầu vào của các loại hình dự án khác nhau, đủ chế tài xử lý vi phạm); Đảm bảo nhà đầu tư thứ cấp được tiếp cận đầy đủ các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Tuệ Minh