![]() |
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Mofa) |
Tình cảm gắn bó
Xin Thứ trưởng cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Armenia, Uzbekistan đã phát triển và đạt được những kết quả nổi bật nào? Đâu là những lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam và các nước có thể cùng khai phá, thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới?
Armenia và Uzbekistan đều là những nước bạn bè truyền thống của Việt Nam. Mặc dù xa cách về địa lý, nhưng nhân dân Việt Nam và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau những tình cảm gắn bó, thân thiết.
Những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và hai nước ngày càng phát triển chặt chẽ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể:
Thứ nhất, tin cậy chính trị không ngừng được củng cố. Việt Nam và Armenia, Uzbekistan thường xuyên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc các cấp, gồm cả cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov vào tháng 3/2024, cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng tại Nga vào tháng 10/2024, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan vào tháng 11/2024…
Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và hai nước duy trì sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau, chia sẻ cách tiếp cận tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thứ hai, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Armenia và Việt Nam - Uzbekistan đều có những bước tăng trưởng tích cực. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 của Việt Nam với Armenia đạt gần 500 triệu USD, tăng hơn 40% so với năm 2023; với Uzbekistan đạt 202 triệu USD, tăng 26,5% so với năm 2023.
Việt Nam có một số dự án đầu tư sang Uzbekistan; Armenia có một số dự án đầu tư tại Việt Nam. Tuy quy mô đầu tư chưa lớn, chưa tương xứng với thế mạnh và mong muốn của Việt Nam với hai nước nhưng đây cũng là một nội dung sẽ được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Lãnh đạo hai nước thảo luận để thống nhất các biện pháp khai phá, thúc đẩy hơn nữa phạm vi, quy mô hợp tác trong thời gian tới.
Đồng thời, hiện Việt Nam đã thành lập cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật với từng nước để điều phối, thúc đẩy xuất nhập khẩu, đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông - vận tải, khoa học - công nghệ và nhiều lĩnh vực khác.
Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu mà Armenia là thành viên vào năm 2015. Cả Armenia, Uzbekistan và Việt Nam đang tích cực thúc đẩy kết nối giao thông để thúc đẩy trao đổi hàng hóa và du lịch cũng như các lĩnh vực hợp tác khác.
Thứ ba, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân được lãnh đạo các bên quan tâm thúc đẩy, coi đây là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng, đóng vai trò duy trì truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam với hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong những năm qua, Việt Nam đã ký Chương trình hợp tác văn hóa với Armenia, tổ chức Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Uzbekistan và tham gia Liên hoan Âm nhạc với chủ đề "Giai điệu phương Đông" tại Uzbekistan. Uzbekistan cũng đã tổ chức Những ngày Văn hóa Uzbekistan tại Hà Nội và Thanh Hóa.
Hợp tác du lịch cũng ngày càng được tăng cường, các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Nha Trang, Phú Quốc ngày càng được khách du lịch quốc tế ưa thích. Nhờ có đường bay thẳng với 6 chuyến/tuần, số lượng khách du lịch Uzbekistan đến Việt Nam ngày càng tăng, đạt khoảng 20.000 lượt khách trong năm 2024.
Ngày càng nhiều người Việt Nam cũng muốn tham quan, khám phá các danh lam, thắng cảnh của Armenia và Uzbekistan.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Việt Nam với Armenia và Uzbekistan còn nhiều dư địa và tiềm năng để tăng cường hợp tác và cùng nhau phát triển. Để thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân, hai nước cần tăng cường kết nối giao thông, gồm cả đường sắt, đường bộ, đường biển và hàng không.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với Armenia và Uzbekistan cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau, vì vậy Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giầy, điện tử… sang Armenia và Uzbekistan, qua Armenia và Uzbekistan để tới các nước khác qua các hành lang vận tải Đông - Tây và Bắc - Nam.
Hai bên cũng có thế mạnh để tăng cường hợp tác về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực triển vọng khác như công nghệ số, năng lượng sạch, vật liệu mới...
Với nền tảng quan hệ hữu nghị đã được lịch sử chứng minh và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân Việt Nam, Uzbekistan và Armenia vun đắp, với những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam đã tích lũy được trong hơn 45 năm tham gia, đóng góp tích cực tại IPU, tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng chuyến công tác lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ thành công tốt đẹp, để lại những dấu ấn đáng nhớ trong lòng bạn bè các nước Uzbekistan, Armenia và cộng đồng quốc tế.
Chuyến thăm sẽ tiếp tục lan tỏa và nâng cao hình ảnh về một Việt Nam thủy chung, nghĩa tình đối với các nước bạn bè truyền thống, đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tạo thêm những trợ lực quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đề ra.
Cảm ơn Thứ trưởng!
