Hơn 430.000 người kê khai tài sản, chỉ có 2 người kê khai không trung thực

Admin
Đã có hơn 430.000 người kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

Sáng 6/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành thanh tra. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hơn 430.000 người kê khai tài sản, chỉ có 2 người kê khai không trung thực - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

Hơn 430.000 người kê khai tài sản, chỉ có 2 người kê khai không trung thực

Báo cáo công tác năm 2022 của ngành thanh tra, ông Trần Ngọc Liêm – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.

Toàn ngành đã triển khai thanh tra theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch covid-19, công tác chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực...

Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực, kết quả thu hồi tiền, tài sản đạt cao hơn năm trước.

Trong năm 2022, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 8.500 cuộc thanh tra hành chính và khoảng 222.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn85.990 tỷ đồng,8.777ha đất, kiến nghị xử lý hành chính hơn3.530tập thể và8.619cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 451 vụ,295đối tượng.

Về kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch covid-19, ông Trần Ngọc Liêm cho biết, Thanh tra Chính phủ đã thành lập 3 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội, TPHCM, đồng thời chỉ đạo hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương.

Quá trình mua sắm có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm tại nhiều địa phương. Cụ thể, 54/61 tỉnh, thành phố có 4.992/15.909 gói thầu vi phạm; nhiều địa phương có số gói thầu vi phạm cao như Hà Tĩnh, Đà Nẵng 100%, Hải Phòng 95,8 %, Quảng Trị 95,2%... Trong đó có một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại ngân sách nhà nước, đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra; thu hồi các khoản tiền do vi phạm...

Hơn 430.000 người kê khai tài sản, chỉ có 2 người kê khai không trung thực - Ảnh 2.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm báo cáo kết quả công tác ngành Thanh tra năm 2022

Việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, hơn 430.000 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

“Trong kỳ báo cáo có 39 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 36 người. Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 116 vụ việc, 153 người liên quan đến tham nhũng”– báo cáo nêu rõ.

Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

Về phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2023, ông Trần Ngọc Liêm cho biết, toàn ngành tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với tập thể, cá nhân vi phạm.

Ngành Thanh tra đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu quả, thanh tra. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đối với các vụ việc khiếu nạn, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở.

Trong năm 2023, ngành thanh tra cũng sẽ nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận; tiến hành thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng.

“Ngành tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng. Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” – báo cáo nhiệm vụ trọng tâm ngành thanh tra nêu rõ./.