Để tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã tăng cường công tác phối hợp, triển khai có hiệu quả "Quy chế phối hợp quản lý và phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hà Nội". Nâng cao năng lực quản lý cho đối tượng cán bộ quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn thông qua các lớp tập huấn chuyên sâu, phù hợp với đặc thù riêng của từng đối tượng. Đồng thời, triển khai các sự kiện thường niên nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.
Cụ thể, Hà Nội đã tổ chức các Hội nghị "Nâng cao kỹ năng xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử", "Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội cho ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và dệt may Việt Nam"; phổ biến kiến thức, hướng dẫn cho cho 1.200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các hội, hiệp hội, các hộ kinh doanh, hợp tác xã, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Hà Nội…
Chỉ tính riêng năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ 400 doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận phương thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; tập huấn "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm TP. Hà Nội, công cụ chuyển đổi số trong thương mại điện tử, kết nối cung cầu, bảo vệ người tiêu dùng"…
Mới đây, tại Hội nghị kết nối về thương mại điện tử với chủ đề "Doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số" do Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị tổ chức có gần 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội đã tham dự; được chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, khó khăn và cách vận hành hình thức thương mại hiệu quả này.
Giám đốc vận hành Myecom Agency Hoàng Dương cho biết, với những người bán mới, khi bắt đầu bán hàng trên thương mại điện tử sẽ gặp nhiều khó khăn như lượt truy cập thấp, chưa có nhiều lượt mua, theo dõi, đánh giá.
Để vượt qua những khó khăn này thì người bán cần phân tích thị trường thật kỹ lưỡng, tập trung vào sản phẩm, tối ưu chuyển đổi trong giai đoạn mở bán như có giá cạnh tranh, áp dụng nhiều ưu đãi, đẩy mạnh truyền thông...
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổ chức hội nghị kết nối về thương mại điện tử là một trong những giải pháp thiết thực mà Thành phố triển khai, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận các sàn thương mại điện tử lớn, tìm đối tác phân phối hiệu quả. Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa một cách ổn định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay, trên cơ sở dữ liệu từ 3 sàn thương mại điện tử lớn nhất là Shopee, Tiki, Lazada, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tổng hợp, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của hơn 366.850 shop, tương ứng 197.848 mã số thuế tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thuộc 3 sàn nêu trên.
Nửa đầu năm 2024, số thuế Hà Nội thu được từ 418 sàn thương mại điện tử đã đạt 2.547 tỷ đồng; từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đạt 7.362 tỷ đồng (doanh nghiệp 6.668 tỷ đồng, hộ kinh doanh 608 tỷ đồng và cá nhân 86 tỷ đồng). Đây là nguồn đóng góp lớn cho hoạt động thu ngân sách của Thành phố.
Theo Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững xếp hạng từ thứ hai trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm.
Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 13% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố. 53% người dân Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến.
Cùng với đó, 49% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử.
Để đạt được những mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thành phố sẽ tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.
Đồng thời, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; bảo đảm an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử...
Diệu Anh