"Khám sức khoẻ" của EVNFinance trước thềm Đại hội đồng cổ đông

Admin
Bước ngoặt quan trọng của EVNFinance xảy ra vào năm 2018 khi EVN thoái vốn. Từ năm 2019 đến nay, thu nhập lãi thuần của doanh nghiệp đều trên mức 500 tỷ đồng.

Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance – HoSE: EVF) được thành lập năm 2008. Ban đầu, EVNFinance được thành lập nhằm mục tiêu trọng tâm là đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn đối với các dự án điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên.

Cho đến nay, EVNFinance còn thực hiện các dịch vụ tài chính ngân hàng truyền thống như tín dụng, đầu tư, đặc biệt là các dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp trong ngành điện lực.

Thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ ở mức 2.500 tỷ đồng, trên cơ sở góp vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) và gần 65.000 cổ đông là tổ chức và cán bộ nhân viên ngành điện.

Bước ngoặt quan trọng xảy đến khi vào năm 2018 EVN thoái vốn khỏi EVNFinance theo quy định của Chính phủ. Vốn điều lệ của doanh nghiệp giữ nguyên ở mức 2.500 tỷ đồng trong nhiều năm, mãi tới năm 2020, EVNFinance mới có lần tăng vốn đầu tiên lên 2.650 tỷ đồng sau khi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Hai năm sau đó, vốn điều lệ công ty tiếp tục tăng nhờ nghiệp vụ trên. Đến năm 2023, EVNFinance đã hoàn tất quá trình tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ 3.510 tỷ đồng lên 7.042 tỷ đồng.

Về bức tranh tài chính, trong năm đầu thành lập là 2008, công ty ghi nhận 166 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và 106 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ 1 năm sau đó, thu nhập lãi thuần của công ty tăng gấp 2,5 lần lên 413,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng tăng 2,9 lần lên 304 tỷ đồng.

Dù vậy, 2013 là năm ảm đạm của công ty khi lợi nhuận sau thuế chạm đáy lịch sử ở mức 93,5 tỷ đồng. Những năm sau đó công ty đều thu lãi sau thuế trên trăm tỷ, đặc biệt là năm 2022 lãi kỷ lục ở mức 365,8 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần cũng ở đỉnh lịch sử với hơn 919 tỷ đồng.

Kể từ năm 2019, công ty bắt đầu ghi nhận thu nhập lãi thuần trên 500 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 200 tỷ đồng.

Gần đây nhất, trong năm 2023, EVN Finance ghi nhận thu nhập lãi thuần hơn 709 tỷ đồng, giảm gần 23% so với năm 2022. Tổng thu nhập hoạt động cũng giảm 4,4% so với cùng kỳ xuống 1.094 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt ở mức 409 tỷ đồng và 328 tỷ đồng, đi lùi 11% và mới hoàn thành 79% kế hoạch năm đề ra.

Lý giải về việc kết quả kinh doanh đi lùi và không hoàn thành kế hoạch năm, ban lãnh đạo EVNFinance cho biết do gặp khó khăn trước các thông tin tiêu cực về tín dụng tiêu dùng.

Thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của công ty ở mức 49.221 tỷ đồng, tăng 17% từ 42.000 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó chủ yếu là 33.092 tỷ đồng cho vay khách hàng; hơn 9.956 tỷ đồng tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác.

Bước sang năm 2024, ban lãnh đạo công ty lên kế hoạch đem về 585 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 43% so với thực hiện năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng 10% lên mức 54.500 tỷ đồng.

Trong năm 2024, công ty cũng đặt kết hoạch phát triển tài sản theo mục tiêu phát triển bền vững ESG, mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa quy mô huy động nguồn vốn từ các thị trường quốc tế và đối tác quốc tế. Đồng thời, triển khai “Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 – 2025”.

Hồ sơ doanh nghiệp - 'Khám sức khoẻ' của EVNFinance trước thềm Đại hội đồng cổ đông

 Diễn biến thị giá cổ phiếu EVF (Nguồn: TradingView).

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 14/3, mã EVF giảm nhẹ xuống 16.950 đồng/cổ phiếu, vốn hoá ở mức 12.042 tỷ đồng. Dù thị giá có giảm trong những phiên gần đây, nhưng EVF vẫn đang nằm ở vùng giá đỉnh lịch sử. So với vùng giá 6.850 đồng/cổ phiếu cách đây 1 năm, hiện thị giá EVF đã tăng gấp 2,5 lần.

Đi cùng với đà tăng là thanh khoản hơn chục triệu đơn vị mỗi phiên, so với vài trăm nghìn mỗi phiên như trước đây. Đáng chú ý ngày 23/2/2024, cổ phiếu này khớp lệnh cao nhất kể từ khi niêm yết với 35,4 triệu đơn vị.

Vào ngày 15/3 tới đây, EVNFinance sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2024 tại Hà Nội, với nhiều nội dung quan trọng trình đại hội. Theo đó, EVNFinance sẽ lựa chọn chiến lược phát triển theo hướng tích hợp các yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh của công ty.

Dự kiến một số nội dung khác cũng sẽ được đưa ra Đại hội như Đề án tái cơ cấu, Phương án chi trả cổ tức năm 2023 và Phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP) cho năm 2024. Nếu các phương án này được thông qua, vốn điều lệ của EVNFinance sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024.