Kinh tế biển - động lực của Ninh Thuận

Admin
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Ninh Thuận năm 2022 ước đạt 3.420 tỉ đồng; đạt 114% so với dự toán Bộ Tài chính giao là tín hiệu phục hồi đáng mừng sau dịch COVID-19 đối với một tỉnh có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng không nhiều thuận lợi như Ninh Thuận.

Để làm được điều đó, Ninh Thuận đã biết dựa vào biển, chọn hướng đi phù hợp, biến cái bất lợi thành có lợi. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, để làm rõ hơn về vấn đề này.

Phát triển kinh tế biển

.Phóng viên: Thưa ông, Ninh Thuận đã đưa ra định hướng thế nào về việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với biển?

Kinh tế biển - động lực của Ninh Thuận - Ảnh 1.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận .Ảnh: HOÀNG TRIỀU


- Ông TRẦN QUỐC NAM: Ninh Thuận là tỉnh có chiều dài bờ biển trên 105 km, vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2 với nguồn lợi, nguồn lực tài nguyên biển rất lớn. Chính vì vậy, tỉnh Ninh Thuận xác định kinh tế biển là một động lực quan trọng trong nhiều giai đoạn trong thời gian qua cũng như thời gian đến. Đây là định hướng chiến lược nên tỉnh đang đầu tư nhiều ngành nghề mũi nhọn về phát triển kinh tế biển như: trung tâm logistics (dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu), cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu đô thị và du lịch ven biển…

Bên cạnh đó, tập trung phát triển những ngành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản truyền thống mà Ninh Thuận được xác định là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước. Tổng số tàu cá hiện nay của tỉnh 2.270 chiếc, trong đó có trên 822 tàu thuyền đăng ký tham gia khai thác trên biển xa kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi hết sức khát vọng Ninh Thuận sẽ đi lên từ kinh tế biển.

Kinh tế biển - động lực của Ninh Thuận - Ảnh 2.

Ninh Thuận còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.Ảnh: HOÀNG TRIỀU


.Ngư dân hiện nay còn có những khó khăn khi vươn khơi bám biển, Ninh Thuận có những đề xuất, giải pháp gì để giúp ngư dân?

- Phải nói rằng chương trình đánh bắt xa bờ và phát triển kinh tế biển gắn với đời sống của các ngư dân không chỉ riêng Ninh Thuận mà còn ở các địa phương có biển khác. Bà con ngư dân hiện nay hết sức nỗ lực vươn khơi, bám biển nhưng cũng còn nhiều khó khăn về phương tiện, khoa học kỹ thuật, giá cả sản phẩm... Chúng tôi rất mong bộ, ngành trung ương và Chính phủ có những chính sách, cơ chế tốt nhân dân vùng biển phát triển kinh tế đặc biệt là khuyến khích ngành nuôi biển. Ngành nuôi biển cần đánh giá là một ngành chiến lược vì nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Chính vì vậy, việc nuôi biển mang tính chất bền vững, lâu dài.

Bên cạnh đó, việc đánh bắt hải sản xa bờ cũng cần được quản lý để bền vững, nhất là thoát khỏi thẻ vàng của châu Âu. Việc thoát khỏi thẻ vàng châu Âu thì các sản phẩm mà ngư dân làm ra được hợp thức hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chính ngạch góp phần phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Biến cái bất lợi thành có lợi

.Ninh Thuận là một tỉnh được đánh giá là "nắng như phang gió như rang". Để biến cái bất lợi này thành có lợi, Ninh Thuận đã định hướng thế nào?

- Tôi cho rằng Ninh Thuận có nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực và đột phá cho tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn. Trong đó, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo sẽ là một nội dung rất quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế Ninh Thuận. Chúng tôi rất kỳ vọng và mong muốn các chủ trương, chính sách về năng lượng tái tạo sẽ được trung ương quyết trong thời gian đến. Tôi cho rằng Ninh Thuận sẽ trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính của Ninh Thuận tăng 9,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 21,77% là động lực tăng trưởng toàn ngành; trong khi đó, ngành chủ lực sản xuất và phân phối điện tăng 5,9%. Điện sản xuất trong 11 tháng năm 2022 ước đạt 6.234,4 triệu KWh, trong đó điện gió 844,7 triệu KWh, điện mặt trời lên đến 3.818 KWh.

.Trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều địa phương nhưng Ninh Thuận vẫn là địa phương có mức tăng trưởng dương. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này về những kế hoạch, chính sách để Ninh Thuận phát triển bền vững?

- Chúng tôi thấy rằng việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững là một yêu cầu đặt ra cả trước mắt lẫn lâu dài. Chính vì vậy tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng cho mình một chiến lược, tạo sự phát triển bền vững các ngành kinh tế trụ cột gồm: năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng phát triển đô thị và du lịch. Sự phát triển của Ninh Thuận trong thời gian qua là sự chia sẻ tỉ trọng đóng góp giữa các ngành kinh tế trụ cột, từ đó mới tăng trưởng dương và hướng tới sự phát triển bền vững dù dịch bệnh.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Ninh Thuận năm 2022 ước đạt 3.420 tỉ đồng; đạt 114% so với dự toán Bộ Tài chính giao. Trong đó, thu nội địa năm 2022 ước đạt 3.320 tỉ đồng, đạt 119% so với dự toán Bộ Tài chính giao; đạt 111% so với dự toán HĐND tỉnh giao.