Là “vua tiền mặt”, vì sao Hoà Phát không đổ tiền vào bất động sản?

Admin
Theo Chủ tịch Trần Đình Long, Hòa Phát đã chuẩn bị lượng tiền mặt lớn cho "những quả đấm thép" và không thể “phiêu lưu” cầm tiền đi đầu tư hay “ôm” bất động sản.

Ông Trần Đình Long đang rút dần khỏi Hoà Phát

Phiên họp đại hội đồng cổ đông 2024 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã diễn ra vào sáng 11/4, dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long và một số thành viên trong HĐQT, ban điều hành công ty.

Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, ông đang rút dần khỏi các hoạt động của tập đoàn và chỉ tham gia điều hành các vấn đề chiến lược, nhân sự tổ chức cấp cao, vốn liếng. Còn hoạt động điều hành hàng ngày chủ yếu do các lãnh đạo, bao gồm Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng phụ trách.

“Nếu mọi người nghĩ cứ Hòa Phát là ông Long làm hết thì không phải đâu”, ông Long tâm sự.

Hồ sơ doanh nghiệp - Là “vua tiền mặt”, vì sao Hoà Phát không đổ tiền vào bất động sản?

Ông Trần Đình Long chia sẻ bản thân đang rút dần khỏi Hoà Phát.

Trước những thắc mắc của cổ đông về việc chuyển giao trách nhiệm cho các thế hệ lãnh đạo kế cận, Chủ tịch Trần Đình Long đánh giá đây là câu hỏi bình thường, không nhạy cảm. Trên thực tế, ông hé lộ thêm quá trình bàn giao đã và đang tiếp tục diễn ra.

“Tuổi tôi không phải cao mà là rất cao rồi, nếu là theo Nhà nước thì được cho nghỉ hưu từ lâu rồi đấy”, vị Chủ tịch 64 tuổi bộc bạch.

Lượng tiền mặt dành cho "những quả đấm thép"

Năm 2024, vua thép đặt mục tiêu năm tới mang về doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023. Nếu đạt được, đây sẽ là mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử và lợi nhuận cao nhất từ 2022.

Chia sẻ tại Đại hội, ông Trần Đình Long cho biết trong quý I/2024, Hòa Phát đã mang về 31.000 tỷ doanh thu và hơn 2.800 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 7 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, tỉ giá USD/VND tăng luôn là vấn đề khá lớn với công ty.

Trả lời cổ đông về kế hoạch phòng vệ gì khi tỉ giá tiếp tục tăng, ông Trần Đình Long chia sẻ Hòa Phát đang hạn chế tối đa vay ngoại tệ. Hết quý I/2024, công ty đang vay 400 triệu USD ngoại tệ nên công ty đang áp dụng nhiều biện pháp để làm giảm bớt rủi ro tỉ giá.

Trong tương lai gần, công ty sẽ không tăng việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhiều công ty đã phải nhận hậu quả "kinh hoàng" do dùng đòn bẩy tài chính. Hòa Phát đã chuẩn bị lượng tiền mặt lớn cho dự án Dung Quất 2 và không thể “phiêu lưu” cầm tiền đi đầu tư hay “ôm” bất động sản.

“Trên thương trường, mọi người cứ gọi Hoà Phát là “vua tiền mặt”, nhưng đó không phải là tiền dôi dư, mà là tiền để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất. Đây không phải là số tiền Hòa Phát không dùng đến mà để dành cho "những quả đấm thép" như dự án Dung Quất 2, Hòa Phát không thể phiêu lưu cầm tiền đi đầu tư, "ôm" bất động sản mà phải để chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh”, vị Chủ tịch Hoà Phát nói.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Hoà Phát ghi nhận tổng tài sản đạt 187.783 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023, tăng thêm khoảng 17.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong cơ cấu tài sản, Hòa Phát có đến hơn 22.000 tỷ tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, giảm 4.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu ngành thép còn có gần 3.800 tỷ đồng tiền mặt và 8.500 tỷ tương đương tiền. Lượng tiền gửi lớn giúp doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long "bỏ túi" những khoản lãi không nhỏ trong năm qua, bù đắp phần nào chi phí lãi vay phải gánh.

Video: Chủ tịch Trần Đình Long nêu lý do không chia cổ tức bằng tiền mặt

Hồ sơ doanh nghiệp - Là “vua tiền mặt”, vì sao Hoà Phát không đổ tiền vào bất động sản? (Hình 2).

Năm nay Hòa Phát tiếp tục không trả cổ tức bằng tiền mặt, thay vào đó, HĐQT công ty đề xuất phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỉ lệ 10%. Cụ thể, tập đoàn sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ thặng dư vốn cổ phần 3.212 tỷ đồng và một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với giá trị 2.603 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý II/2024 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Ngoài ra, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cũng dự kiến chi trả cổ tức năm 2024 với tỉ lệ 10%.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về quan điểm sử dụng lợi nhuận để phân phối cổ tức, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát là một trong số ít doanh nghiệp cân đối hài hòa tài chính để trả cổ tức. Đường lối của tập đoàn đến nay cũng không có gì thay đổi. Theo đó, Hòa Phát ưu tiên đặc biệt cho hoạt động phát triển, phần còn lại chia cho những người góp vốn.

“Cổ phiếu của Hòa Phát từ tốt đến rất tốt”, ông Long nói, đồng thời cho biết thêm từ năm 2025, Hòa Phát có thể tiếp tục duy trì chia cổ tức bằng tiền mặt.

Xem thêm: Tỷ phú Trần Đình Long: “Ông trời đã bắt Hòa Phát phải làm việc khó”