Lần đầu tiên Việt Nam thiếu đơn hàng cuối năm, tác động ra sao đến thu nhập lao động các ngành trong quý IV/2022?

Admin
Tổng cục Thống kê nhận định, thông thường, quý IV là quý mà thị trường lao động cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ tết cuối năm. Tuy nhiên, trong quý IV/2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm, điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV năm nay chỉ còn 0,5%. Vậy thu nhập của lao động các ngành bị ảnh hưởng ra sao?

Theo báo cáo về tình hình lao động quý IV và năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động quý IV/2022 tiếp tục phục hồi nhưng chậm dần. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động trong quý IV năm 2022 tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động và tỷ lệ lao động phi chính thức lại tăng lên so với quý trước.

Thông thường, quý IV là quý mà thị trường lao động cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ tết cuối năm, do đó số có việc làm thường tăng cao, như trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý IV tăng 4,6 nghìn người (tương đương tăng gần 1%).

Tuy nhiên, báo cáo cho biết, trong quý IV/2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm. 

Cùng với đó, lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động, điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV/2022 chỉ còn 0,5%.

Về thu nhập bình quân của người lao động, báo cáo cho biết, quý IV/2022, thu nhập bình quân của lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế. Tuy vậy, một số ngành kinh tế ghi nhận sụt giảm mức thu nhập bình quân của lao động so với quý trước.

Cụ thể, so với quý III/2022, thu nhập bình quân của lao động ở cả ba khu vực kinh tế trong quý IV/2022 đều tăng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,0 triệu đồng, là khu vực ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 2,4%, tương ứng tăng 93 nghìn đồng. 

Lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập là 8,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,6%, tương ứng tăng 129 nghìn đồng/người/tháng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng, tăng 0,9%, tương ứng tăng 66 nghìn đồng so với quý trước.

Lần đầu tiên Việt Nam thiếu đơn hàng cuối năm, tác động ra sao đến thu nhập lao động các ngành trong quý IV/2022? - Ảnh 1.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế, quý IV, giai đoạn 2019-2022 (Đơn vị: Triệu đồng). Nguồn: TCTK

Xét theo ngành kinh tế, báo cáo cho hay, thu nhập bình quân của lao động một số ngành kinh tế tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương so với quý trước và cao hơn tốc độ tăng của quý III/2022 so với quý II/2022 như: thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 11,3 triệu đồng, tăng 5,7%, tương ứng tăng 605 nghìn đồng; lao động làm việc trong ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 9,6 triệu đồng, tăng 2,6%, tương ứng tăng 240 nghìn đồng; thu nhập bình quân của lao động làm việc trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe gắn máy có thu nhập bình quân là 7,9 triệu đồng, tăng 2,4%, tương ứng tăng 186 nghìn đồng.

Mặc dù, quý IV/2022, thu nhập bình quân của lao động trong một số ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương, nhưng với tốc độ tăng chậm lại so với quý III/2022 như: thu nhập bình quân của lao động ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức thu nhập bình quân là 6,7 triệu đồng, tăng 3,1%, tương ứng tăng khoảng 200 nghìn đồng; ngành c ng nghiệp chế biến, chế tạo lao động có mức thu nhập bình quân là 7,6 triệu đồng, tăng 1,2%, tương ứng tăng 89 nghìn đồng.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu đang tác động đến thị trường lao động Việt Nam, khiến các đơn hàng sụt giảm, việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khiến đời sống của lao động làm việc trong ngành này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

“Dự báo tình trạng khó khăn này sẽ tiếp diễn ngay trong quý I/2023”, báo cáo đánh giá.

Điều này đã tác động khiến tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2022 đã tăng chậm lại so với tốc độ này của quý III/2022. Cụ thể, trong quý IV/2022, thu nhập bình quân của lao động ngành “sản xuất da và các sản phẩm có liên quan” đã sụt giảm 41,5%, tương ứng giảm khoảng 2,6 triệu so với quý trước.

Bên cạnh đó, so với quý trước, trong quý IV/2022, một số ngành kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng âm về thu nhập bình quân của lao động như: thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm là 9,8 triệu đồng, giảm 1,5%, tương ứng giảm 150 nghìn đồng; ngành xây dựng thu nhập bình quân của lao động là 7,8 triệu đồng, giảm 0,13%; ngành vận tải kho bãi lao động có thu nhập bình quân là 9,4 triệu đồng, giảm 0,12% so với quý trước.

Báo cáo kết luận, thị trường lao động quý IV/2022 tiếp tục phục hồi nhưng chậm dần. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý IV/2022 tiếp tục tăng so với quý trước. Tổng cục Thống kê dự báo, trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường.

Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II năm 2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.