Lương giáo viên, sách giáo khoa và nhiều chính sách khác sẽ có hiệu lực từ 2023

Admin
Trong năm 2023, nhiều chính sách mới trong ngành giáo dục sẽ có hiệu lực hoặc đang được Chính phủ xem xét phê duyệt theo đề xuất của Bộ GD&ĐT.

Để ngăn làn sóng giáo viên nghỉ việc, Chính phủ cùng Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều giải pháp giúp thầy cô yên tâm cống hiến với nghề.

Tăng lương

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội thông qua, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng.

Theo quy định hiện hành, lương giáo viên được tính bằng công thức sau: Tiền lương cơ sở x Hệ số lương. Như vậy, sau khi lương cơ sở tăng, bảng lương giáo viên sẽ tăng lên tùy vào từng cấp dạy, hạng giáo viên, bậc lương.

Như vậy, từ ngày 1/7, lương giáo viên mầm non hạng III sẽ từ 3.780.000 đồng đến 8.802.000 đồng/tháng. Lương giáo viên mầm non hạng II sẽ từ 4.212.000 đồng đến 8.964.000 đồng/tháng và giáo viên mầm non hạng I sẽ từ 7.200.000 đồng đến 11.484.000 đồng/tháng.

Với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT, lương hạng III sẽ từ 4.212.000 đồng đến 8.964.000 đồng/tháng. Lương giáo viên hạng II sẽ từ 7.200.000 đồng đến 11.484.000 đồng/tháng và hạng I sẽ từ 7.920.000 đồng đến 12.204.000 đồng/tháng.

Lương giáo viên, sách giáo khoa và nhiều chính sách khác sẽ có hiệu lực từ 2023 - Ảnh 1.

Giáo viên được tăng lương từ ngày 1/7. (Ảnh minh hoạ)

Mua sách giáo khoa cho học sinh mượn

Năm 2022, Bộ GD&ĐT xây dựng phương án nhà nước mua sách giáo khoa cho 70% số học sinh mượn sử dụng. Qua tính toán, số tiền bỏ ra mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn lần đầu tiên sẽ khoảng 3.500 tỷ, hằng năm bổ sung khoảng 20%. Dự kiến phương án này sẽ được áp dụng từ năm học 2023 - 2024.

Bồi dưỡng giáo viên

Từ 20/1, Thông tư 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên có hiệu lực.

Theo đó, những sửa đổi bổ sung liên quan đến đối tượng áp dụng, mục đích của bồi dưỡng thường xuyên, tài liệu bồi dưỡng thường xuyên, báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên; đánh giá và xếp loại kết quả bồi dưỡng thường xuyên; cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên; trách nhiệm của các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên…

Thông tư này cũng bỏ yêu cầu về chứng chỉ tin học với báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên.

Thay đổi quy chế trường chuyên

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên thay thế quy định hiện hành để lấy ý kiến. Trong đó có một số thay đổi như: bỏ quy định “tổng số học sinh các lớp chuyên chiếm tối thiểu 2% số học sinh THPT của tỉnh, thành phố đó, không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên”.

Tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non

Căn cứ vào đề xuất từ Bộ GD&ĐT, Chính phủ đang xem xét tăng phụ cấp ưu đãi nhà giáo viên mầm non. Hiện nay, với mức phụ cấp 35%, thu nhập giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác.

Dự kiến, giáo viên đang ở mức 35% và 50% sẽ được tăng lên 70%, giáo viên mầm non ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Theo thống kê, sẽ có hơn 200.000 giáo viên thuộc đối tượng điều chỉnh, ngân sách nhà nước cấp tăng thêm khoảng 336 tỷ đồng/tháng (4.032 tỷ đồng/năm).