Lương tháng 13: Chi thế nào để hết Tết tiền vẫn dư, hợp lý đến những đồng cuối cùng

Admin
Giữa làn sóng thấp thỏm đợi Tết, lương tháng 13 chính là thứ khiến người ta nôn nao, hồi hộp hơn cả.

Mỗi dịp cuối năm, chuyện lương thưởng lại nghiễm nhiên trở thành điều khiến vô số người chờ mong. Dễ hiểu, 2 tiếng "ting ting" trong thời điểm không chỉ là khoản tiền lương thông thường như những tháng trước đó mà còn là sự đền đáp cho cả năm cày cuốc, phấn đấu của mọi người.

Song, những ngày cuối năm cũng chính là thời điểm buộc phải sắm sửa, chi tiêu nhiều hơn để chuẩn bị cho một cái Tết ấm no, sung túc. Chắc hẳn, với dân văn phòng, ai cũng từng ít nhất một lần hứa hẹn "có thưởng Tết sẽ mua cái này, làm cái kia"... Hãy cùng trò chuyện với 3 nhân vật dưới đây để xem họ sẽ sử dụng như thế nào với khoản tiền lương tháng 13 này nhé!

Nhiều kiểu chi tiêu lương tháng 13: Người tiêu hết sạch, người chọn đem tiền về cho mẹ và trích lại một khoản cho bản thân

Chỉ dành chút tiền để tự thưởng cho bản thân còn đa phần khoản lương thưởng Tết sẽ được dùng để mua quà biếu bố mẹ, Nguyễn Bích Ngọc (sinh năm 1996, Lào Cai) vui vẻ chia sẻ:

Lương tháng 13: Chi thế nào để hết Tết tiền vẫn dư, hợp lý đến những đồng cuối cùng - Ảnh 1.

Bích Ngọc thường dùng hết khoản tiền thưởng Tết cho việc mua sắm quà biếu bố mẹ.


"Mình hiện tại đã kết hôn nhưng vẫn chưa có em bé, lại sống xa quê nên tiền làm ra được mình sẽ cố gắng biếu bố mẹ một chút. Tết với mình là dịp để thể hiện lòng biết ơn, cảm ơn ý nghĩa nhất đến bố mẹ. Vậy nên, dù lương thưởng nhiều hay ít, đây vẫn là khoản cố định mà mình sẽ chi. Như 2 năm trước, công ty mình thưởng Tết bằng 1 tháng lương thì mình dành một phần để mua quà cho bố mẹ, còn một phần mình giữ lại để mua sắm cho bản thân.

Song, năm nay, tình hình kinh tế chung khó khăn nên công ty mình nhiều khả năng sẽ không có thưởng Tết nữa; nhưng mình vẫn dự định mua quà biếu cho bố mẹ bằng năm ngoái, còn khoản chi cho bản thân mình sẽ cắt giảm toàn bộ".

Trong khi đó, "mẹ bỉm" Nguyễn Ngọc Trang (sinh năm 1994, Hà Nội) lại dành hết khoản tiền này vào việc mua bỉm sữa cho con gái và phần còn lại dùng biếu bố mẹ hai bên: "Từ ngày có con nhỏ, khoản thưởng Tết của mình hầu như chỉ để mua sắm đồ cho con gái với dùng một ít biếu ông bà nội ngoại là hết. Nhiều lúc cũng muốn lên kế hoạch cho việc này việc kia nhưng cứ tới lúc ấy là chi cho 2 khoản này xong, mình chẳng còn đồng nào luôn!".

Lương tháng 13: Chi thế nào để hết Tết tiền vẫn dư, hợp lý đến những đồng cuối cùng - Ảnh 2.

Vì có con nhỏ nên Nguyễn Ngọc Trang chủ yếu dành tiền lương tháng 13 để mua đồ cho bé.


Chia sẻ thêm, Ngọc Trang cho biết bản thân cũng muốn lên kế hoạch chia nhỏ các khoản cần chi trong Tết bằng lương tháng 13 nhưng trên thực tế, số tiền thưởng cũng không nhỏ nên cô khó thực hiện được.

"Mình cũng nghĩ nếu lên kế hoạch cụ thể cho khoản lương tháng 13 này thì mình sẽ làm được nhiều thứ hơn. Nhưng đôi lúc mình cũng không thể kiểm soát được các khoản chi phát sinh khi nuôi con nhỏ, chưa kể lương thưởng cũng không cao. Mình cũng không biết có phải vì thế nên nhiều khi vừa nhận lương thưởng xong nhưng toàn rơi vào tình trạng "tiền đi đâu hết" trong khi vẫn còn nhiều thứ phải chi".

Trong khi đó, cô gái độc thân Hằng Lương (sinh năm 1995, Hà Tĩnh) cho biết, dù lương thưởng Tết ít hay nhiều, cô cũng luôn giữ lại một khoản cho bản thân. Khoản này sẽ được dùng cho các mục đích sau Tết, trong đó chủ yếu là đáp ứng nhu cầu đi du lịch.

Lương tháng 13: Chi thế nào để hết Tết tiền vẫn dư, hợp lý đến những đồng cuối cùng - Ảnh 3.

Hằng Lương cho biết, dù thế nào cũng sẽ cố gắng trích một khoản dành riêng cho bản thân.


"Thường thì mình sẽ chia khoản thưởng Tết thành 4 khoản, trong đó có 3 khoản cố định như sau: một phần đổi tiền để lì xì Tết cho người thân, bạn bè; một phần dùng để biếu bố mẹ; một phần để mua đồ Tết như bánh kẹo, cây cảnh trang trí nhà cửa. Với khoản tiền còn lại, khoảng 3 triệu đồng, mình sẽ giữ lại như một khoản tiết kiệm, dự phòng cho bản thân; hoặc cũng có thể là dùng để đáp ứng nhu cầu đi du lịch của mình".

"Có thể mọi người nghĩ mình vẫn độc thân nên có thể làm như vậy. Nhưng mình đã duy trì việc phân chia khoản tiền mình có trong khá nhiều năm nay nên dù lương thưởng của mình có ít đi hay sau này, khi lập gia đình, có nhiều khoản phải chi hơn thì mình vẫn không dùng hết toàn bộ tiền thưởng Tết mà mình có" - Hằng Lương nói thêm.

Cô nàng cho biết, là con gái và nhất là khi bạn còn trẻ, bạn cần phải chuẩn bị ít nhất một khoản cho riêng mình để phòng thân và phục vụ các mục đích cá nhân mà không phải dựa dẫm vào ai cả.

Đó là lời chia sẻ của các cô nàng chốn công sở. Thế còn với chuyên gia tài chính, họ sẽ đưa ra lời khuyên như thế nào để các bạn có thể chi tiêu khoản tiền này hợp lý hơn?

Chuyên gia đưa lời khuyên về việc sử dụng lương tháng 13 đúng cách

Lương tháng 13: Chi thế nào để hết Tết tiền vẫn dư, hợp lý đến những đồng cuối cùng - Ảnh 4.

Chị Mina Chung


Liên quan tới vấn đề này, chị Mina Chung - Người sáng lập nền tảng Money With Mina chia sẻ: "Không chỉ nhận được rất nhiều câu hỏi như thế này từ các bạn trẻ, tôi cũng thấy có nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề này và dưới đây là những "kế hoạch" mọi người thường nói:

1. Mua sắm Tết

2. Xin nghỉ việc

3. Gửi tiết kiệm hoặc đầu tư

Đối với tôi, ở vị trí là một người đào tạo về quản lý tài chính cho cộng đồng, khi nhận được câu hỏi tương tự như thế này, thực chất tôi không nên là người đưa đáp án cho các bạn.

Lý do là bởi, tôi không biết hoàn cảnh hiện nay của bạn, ví dụ bạn có còn khoản nợ nào hay không để đưa ra lời khuyên chính xác bạn nên dùng tiền lương tháng 13 để mua sắm Tết, xin nghỉ việc hay bất cứ mục đích nào khác. Tôi không biết tình hình tài chính hiện tại của bạn như thế nào, cách quản lý tài chính ra sao. Vì vậy, đáp án của tôi không nên là đáp án của bạn vì bản chất tôi và bạn có các kế hoạch khác nhau. Và tôi cũng rất mong nếu bạn nhận được những đáp án nhanh gọn cho bạn từ những nền tảng kêu gọi mua sắm hay đầu tư, bạn không nên dễ dàng chấp nhận đáp án đó mà chưa nhìn lại hoàn cảnh tài chính của mình.

Trở lại câu hỏi trên, đầu tiên tôi sẽ đoán chắc rằng hầu hết các bạn chưa lên kế hoạch ngân sách toàn năm cho mình, và cũng chưa đưa mục lương tháng 13 vào ngân sách.

Lương tháng 13: Chi thế nào để hết Tết tiền vẫn dư, hợp lý đến những đồng cuối cùng - Ảnh 5.

Theo chị Mina Chung, lương thưởng Tết cũng là khoản cần được đưa vào ngân sách kế hoạch. (Ảnh: Freepik)


Tôi có thể trả lời theo từng câu đáp án hướng dẫn trên, 1-2-3 đều có thể là sự lựa chọn cho bạn, nếu bạn đã định ra đó từ lúc đầu cho tài chính của mình. Ví dụ:

Đáp án 1: "Mua sắm Tết"

Tại sao không nếu cả năm bạn đã có kế hoạch và quản lý tài chính mình một cách chặt chẽ, và bạn đã đưa số tiền thưởng tháng 13 vào ngân sách từ đầu năm dành cho mục đích mua sắm Tết?

Ý của tôi ở đây, nó hoàn toàn có thể là số tiền bạn tự thưởng cho bản thân mình sau một năm quản lý tài chính thật hiệu quả, và bạn đã tiết kiệm, đã đầu tư, hoặc đã giải quyết được triệt để các khoản nợ nần. Lựa chọn này sẽ là động lực cho một năm mới với việc tiếp tục quản lý tài chính nữa, và cuối năm bạn sẽ có phần thưởng cho bản thân và gia đình trước mùa Tết.

Đáp án 2: "Xin nghỉ việc"

Trước khi suy nghĩ tới đáp án này, tôi nghĩ các bạn nên tự hỏi bản thân về vấn đề: Bạn đã có công việc mới chưa? Hay số tiền này sẽ trở thành "quỹ dự phòng" cho phép bạn nghỉ ngơi và tìm công việc mới khi sẵn sàng?

Số tiền lương tháng 13 này, tôi đoán nó chỉ có thể hỗ trợ bạn chi phí sống trong 2 tháng tới. Vậy thì bạn có đủ tự tin bạn sẽ có công việc mới, và kế hoạch tài chính của năm sau sẽ như thế nào nếu bạn mất đi một nguồn thu nhập ổn định?

Đáp án 3: "Tiết kiệm/đầu tư"

Tiết kiệm hay đầu tư nên là câu chuyện từng tháng mà không phải chỉ dành cho lúc mình có lương tháng 13. Hoặc bạn đã tiết kiệm và đầu tư trong cả năm rồi, và đây là cơ hội bạn mua thêm vào để tăng trưởng thêm đầu tư của mình, tôi ủng hộ bạn. Hoặc nếu bạn là người chưa bắt đầu việc đầu tư, thì bạn có thể xem đây là bước khởi đầu để đặt số tiền lương tháng 13 cho việc tích lũy đầu tư, và cố gắng bắt đầu từ tháng 1, 2, 3… mà không chờ đến cuối năm sau mới tiếp tục đầu tư.

Ngoài những lời khuyên trên, tôi cũng muốn nhắn gửi thêm vài lựa chọn khác mà các bạn nên cân nhắc tùy thuộc vào tình hình tài chính của mình. Và tôi thật sự hy vọng bạn đừng tiếc thời gian của mình để đưa ra sự phân tích từng hạng mục giống tôi ở trên để có thể đi đến sự lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân mình. Các đầu mục cần thiết cho một bản kế hoạch bao gồm:

- Quỹ dự phòng;

- Trả nợ hoặc trả hết số dư thẻ tín dụng;

- Mua bảo hiểm;

- Đầu tư phát triển bản thân (khóa học phát triển kỹ năng có thể giúp mình tăng dòng thu);

- Du lịch (kế hoạch như mục 1 - mua sắm Tết);

- Quỹ cưới hỏi, quỹ thai sản, quỹ giáo dục cho con…

Cuối cùng, tôi cũng muốn nhấn mạnh, sự lựa chọn và tự phân tích dựa trên kế hoạch của bản thân sẽ giúp bạn có một tâm thế vững chãi và an tâm hơn trong các quyết định tài chính trong cuộc sống của mình".

* Bài viết được ghi lại theo lời chia sẻ của nhân vật.