Một địa phương lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số

Admin
Theo Cục Thống kê địa phương, với tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 12,64% so với cùng kỳ, đây là lần đầu tiên Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số từ trước cho đến nay. Điều này cho thấy tín hiệu khả quan của tình hình khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.

Theo Cục Thống kê Cần Thơ, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV/2022 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,63%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,55%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,76%.

Trong cả năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 12,64% so cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, thành phố Cần Thơ là địa phương có tốc độ tăng GRDP đứng thứ 6 so với cả nước; xếp thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau Hậu Giang, tăng 13,94%) và 5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Đà Nẵng, tăng 14,05%).

Theo Cục Thống kê địa phương, đây là lần đầu tiên Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số từ trước cho đến nay. Điều này cho thấy tín hiệu khả quan của tình hình khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,49%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 18,18%, đóng góp 5,21 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 13,19%, đóng góp 6,88 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,37% đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế thành phố.

Một địa phương lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số - Ảnh 1.

Nguồn: Cục Thống kê Cần Thơ

Về cơ cấu kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,03%; khu vực dịch vụ chiếm 52,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,85%.

Về tình hình thu - chi ngân sách Nhà nước, Cục Thống kê địa phương cho biết, thu ngân sách nhà nước lũy kế thực hiện đến ngày 20/12/2022 đạt 15.303,05 tỷ đồng, bằng 87,16% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 18,26% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 10.814,20 tỷ đồng, bằng 101,86% so với dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 70,67% tổng thu và tăng 19,26% so với cùng kỳ. Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 428,88 tỷ đồng, bằng 85,78% so với dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 2,80% tổng thu và giảm 32,73% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách nhà nước lũy kế thực hiện đến ngày 20/12/2022 đạt 13.544,57 tỷ đồng, bằng 84,51% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 25,25% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 7.590,08 tỷ đồng, bằng 87,64% dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 56,04% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 68,72% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên đạt 5.892,78 tỷ đồng, bằng 85,64% dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 43,51% tổng chi ngân sách địa phương và giảm 4,45% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2022 đạt 1.744 doanh nghiệp, tăng 36,03% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số vốn đăng ký 12.702 tỷ đồng, bằng 76,31% so với cùng kỳ. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2022 với 37,62% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý III/2022.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2022 ước đạt 35.524,22 tỷ đồng, tăng 40,63% so với năm 2021, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn nhà nước đạt 7.909,97 tỷ đồng, tăng 57,19% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước đạt 25.993,22 tỷ đồng, tăng 43,68%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.589,09 tỷ đồng, tăng 69,57%.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế 12 tháng năm 2022, cấp mới 6 dự án FDI, vốn đăng ký 174,23 triệu USD; chấm dứt hoạt động 5 dự án với tổng vốn đăng ký 5,41 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 86 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.223,26 triệu USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 118.082,30 tỷ đồng, tăng 41,48% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 90.272,13 tỷ đồng, tăng 32,27% so với cùng kỳ năm trước; lưu trú, ăn uống ước đạt 12.876,75 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 536,35 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ, dịch vụ khác ước đạt 14.397,08 tỷ đồng, tăng 54,13% so với cùng kỳ năm 2021.