Mùa đông có những dấu hiệu này tuyệt đối không được đi tắm

Admin
Chỉ cần bản thân có những dấu hiệu sau đây bạn tuyệt đối đừng đi tắm vì dễ dẫn tới cảm lạnh và đột quỵ vào mùa đông.

Theo Y học Trung Quốc, quá trình tắm rửa vừa là khoảng thời gian giải phóng sự căng thẳng trong ngày, vừa thúc đẩy quá trình lưu thông máu và "làm mới" cơ thể.

Tắm hằng ngày giúp bạn nâng cao hệ miễn dịch, làm đẹp da, tăng cường sự tuần hoàn máu... Thế nhưng, trong thực tế đã có nhiều trường hợp bị đột tử ngay trong nhà tắm.

Vào mùa đông nhiệt độ xuống rất thấp, việc tắm gội không nên thực hiện tùy tiện. Sau 22h đêm là khoảng thời gian tuyệt đối không nên tắm và gội đầu. Ngoài ra khi cảm nhận bản thân có những dấu hiệu sau đây, bạn cũng tuyệt đối không nên đi tắm vì rất dễ dẫn đến cảm lạnh, thậm chí là đột quỵ.

Cảm thấy bị sốt: Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên 38 độ C, mức tiêu thụ calo của cơ thể có thể tăng 20%. Lúc này, cơ thể tương đối yếu, việc tắm có thể gây cảm lạnh, khiến tình trạng sức khỏe và cơn sốt trở nên trầm trọng hơn do sức đề kháng yếu.

Khi đang bị tụt huyết áp: Dấu hiệu tụt huyết áp bao gồm cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt, đau đầu dữ dội hoặc mê sảng, ngất, giảm tập trung, mờ mắt, da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt... Nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, nông...

Khi bị huyết áp thấp, nhiều người nghĩ ngay đến việc tắm nước nóng để giúp cơ thể thoải mái hơn nhưng điều này vô cùng nguy hiểm. Nước nóng có thể khiến các mạch máu của con người giãn ra, dễ gây thiếu máu lên não khiến cơ thể càng mệt mỏi, chóng mặt hơn. Tốt nhất là khi bị tụt huyết áp, bạn nên nghỉ ngơi trước khi tắm.

Khi đang say rượu: Khi đang say, đừng bao giờ đi tắm vì đây là cách tự hại sức khỏe. Nguyên nhân là bởi rượu gây ức chế chức năng gan và ngăn chặn sự giải phóng glycogen. Tắm sau khi uống rượu, lượng đường trong máu không thể được bổ sung kịp thời nên sẽ gây chóng mặt, hoa mắt, thậm chí hôn mê.

Nguy hiểm hơn, sau khi uống rượu cơ thể có nồng độ cồn khá cao, quá trình tắm làm cơ thể đổ mồ hôi, làm giãn mạch máu… Khiến huyết áp bị giảm nhanh, độ nhớt trong máu tăng cao gây ra đau tim hoặc đột quỵ.

Đời sống - Mùa đông có những dấu hiệu này tuyệt đối không được đi tắm

Tắm gội làm cho cơ thể cảm thấy thoải mái và được thả lỏng. (Ảnh minh họa)

Khi cảm thấy no bụng: Sau khi dùng bữa, bạn không nên đi tắm ngay vì như vậy da và mạch máu sẽ bị kích thích và mở rộng hơn, khiến máu chảy ở các bề mặt cơ thể, gây cản trở quá trình lưu thông máu đến các cơ quan tiêu hóa, vừa hại dạ dày, đường ruột, vừa gây hại đường huyết…

Khi bạn cảm thấy chóng mặt: Tắm gội làm cho cơ thể cảm thấy thoải mái và được thả lỏng nhưng nếu bạn đi tắm vào lúc đang chóng mặt và tầm nhìn giảm thì chẳng khác nào "liều mạng".

Chóng mặt, tầm nhìn giảm là 2 triệu chứng rất quen thuộc của tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ). Đây là bệnh lý tổn thương một phần não, xảy ra đột ngột do tắc nghẽn các mạch máu trên não, gây thiếu máu đến nuôi não.

Đột quỵ có thể khiến một người đang khỏe mạnh bỗng dưng gục xuống, hôn mê, liệt nửa người, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc sống với các di chứng nặng nề.

Mùa lạnh nên tắm thế nào để an toàn?

Bác sĩ Nguyễn An Pháp (Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM cơ sở 3) cho biết trong thời tiết se lạnh, người dân cần chú ý vấn đề vệ sinh cá nhân, tắm rửa an toàn để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong những ngày rét đậm, chúng ta không nên tắm lâu, chỉ nên khoảng 5-10 phút. Ngoài ra cần lưu ý một số vấn đề sau:

Hạn chế ngâm mình trong nước quá nóng: Vào mùa đông, người dân thường thích ngâm mình trong nước nóng. Tuy nhiên, nhiệt độ mùa này thường ở mức rất thấp nên việc tắm hay ngâm bồn nước nóng quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe. "Khi cơ thể đang ở trong môi trường lạnh tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ cao thì sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, giãn mạch máu, làm mất đi độ ẩm trên da. Do đó, tốt nhất là bạn chỉ nên tắm trong nước ấm vừa phải để vừa giữ sức khỏe, vừa bảo vệ làn da", bác sĩ Pháp chia sẻ.

Tuyệt đối không tắm đêm: Theo bác sĩ Pháp, người dân không nên có thói quen tắm đêm. Nhiệt độ về đêm thường thấp hơn ban ngày, cộng thêm sự giảm nhiệt đột ngột (khi cơ thể tiếp xúc nước) khiến tuần hoàn máu giảm do các mao mạch co lại.

Không tắm sau khi ăn quá no hoặc quá đói: Sau khi ăn, máu được tập trung lưu thông đến dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Nếu bạn tắm ngay lúc đó sẽ làm thân nhiệt hạ thấp, cơ thể buộc phải hoạt động nhiều hơn để duy trì nhiệt, máu phải di chuyển từ đường ruột đến các bộ phận khác của cơ thể như da, mô dưới da. Hậu quả là quá trình tiêu hóa bị gián đoạn, dạ dày co bóp chậm lại, dịch tiêu hóa tiết ra ít hơn, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn nên dễ gây ra các bệnh về tim mạch.

Tuy nhiên cũng không nên tắm khi đói, đường huyết hạ, dễ bị chóng mặt, ngất. Bạn nên tuân thủ thói quen tắm trước bữa ăn; hoặc nếu sau khi ăn thì cách 1-2 tiếng để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ: Giữ chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong phòng tắm và bên ngoài không được quá cao, tối ưu nên dao động trong khoảng 2-3 độ C.

Dù tắm bằng hình thức nào (vòi sen, bồn, tắm ngồi, tắm đứng...) cũng phải hạn chế việc thay đổi thân nhiệt trung tâm cơ thể đột ngột, bằng cách tiếp xúc dần từng bộ phận của cơ thể với nước, thường là chân đầu tiên, đến tay, đầu, thân người (lưng và ngực bụng) là sau cùng, rồi sau đó mới là toàn thân tiếp xúc hoàn toàn với nước.

Cần lau khô người ngay sau khi tắm: Tuyệt đối không để cơ thể ở trong tình trạng ẩm ướt khi bước ra khỏi phòng tắm, bởi lúc này, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm lạnh, gây kích ứng da. Ngoài ra, không sử dụng máy sấy để hong khô người vì thói quen này sẽ làm da mất nước, khô nẻ. Vậy nên, hãy duy trì thói quen lau khô người sau khi tắm và chọn dùng những loại khăn lông mềm để lau người.

Hồng Anh (t/h theo Vnexpress, Tổ quốc)