Ngày Tết khổ tâm với câu hỏi 'bao giờ cưới?'

Admin
Gặp nhau ngày Tết, những câu hỏi tưởng chừng quan tâm lại đôi lúc thành áp lực với các bạn trẻ, nhất là hỏi làm lương bao nhiêu, khi nào cưới...

Ngày Tết khổ tâm với câu hỏi bao giờ cưới? - Ảnh 1.

Tết năm nay, Ngô Thanh Sơn (thứ 5, từ trái sang) lên kế hoạch vui Tết ở nơi xa cùng bạn bè - Ảnh: NVCC

LTS: Tết luôn được mỗi người chờ đợi vì đó là thời khắc quây quần sum vầy bên gia đình, nhất là với lao động xa quê sau những ngày miệt mài làm việc. Nhưng với không ít bạn trẻ hiện nay, Tết lại có những trăn trở, nỗi niềm khó nói.

Biết là cũng quan tâm đó mới hỏi chứ cũng không ý gì, nhưng nhiều câu hỏi làm khó xử mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục lối sống tự do, tự chủ cho tới khi ổn định kinh tế, tìm được "mối duyên" thì tính chuyện vợ con chứ không như cách nghĩ của người ở quê.

Anh HỮU HOÀNG (nhân viên ngành dược)

Bao giờ cưới? Có gì chưa?

Không có quy luật gì song nhiều bạn trẻ hiện nay cho rằng nam sau 35, nữ sau 30 mới là độ tuổi "chín muồi" để lập gia đình. Với họ, khi ấy tạm gọi đủ trải nghiệm, vốn sống, bản lĩnh và kinh tế. Công ty nơi anh Hữu Hoàng (quê Vĩnh Long) - nhân viên ngành dược - làm việc năm nay cho nghỉ Tết sớm gần 10 ngày. Nhưng có về nhà đón Tết cùng gia đình hay rong ruổi đây đó vẫn là câu hỏi anh còn bỏ ngỏ.

Sẽ rất bình thường nếu lúc này anh cũng đã có vợ, sinh con như đám bạn. Gần 37 tuổi, mỗi khi nghe người thân, họ hàng hỏi chuyện vợ con, anh Hoàng đều thấy không thoải mái. Họ còn nhiều lần âm thầm tổ chức các buổi gặp mặt, gán ghép cho anh mối này mối nọ trong vùng cũng từ các dịp thăm Tết.

"Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục lối sống tự do, tự chủ cho tới khi ổn định kinh tế, tìm được "mối duyên" thì tính chuyện vợ con nhưng mọi người ở quê không nghĩ vậy. Họ kiểu trời sinh voi sinh cỏ, trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng. Điều này khiến tôi không muốn về quê đón Tết. Chỉ cần ai đó đặt vấn đề, tôi hết thấy vui để ăn Tết nữa", anh Hoàng tâm sự.

Ngoài áp lực hối thúc "dựng vợ gả chồng", có những cặp đôi trẻ khác cũng đầy trăn trở khi nghĩ về ngày sum họp cùng gia đình dịp Tết. Vỉa hè đường Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) những ngày cuối năm đông nghịt người. Ngồi xuống chiếc ghế nhựa, anh Thiện (35 tuổi, quê Quảng Bình) buồn rầu nhìn dòng xe ngược xuôi. Anh không thể nhớ nổi đây là lần thứ bao nhiêu tìm đến khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) bao năm qua.

Cưới nhau gần 15 năm mà vẫn chưa có con. Đồng lương công nhân ít ỏi của hai người đều đổ cả vào nơi mà anh chị gọi đó là hy vọng cuối cùng. Ngặt nỗi sau bấy nhiêu nỗ lực, công sức nhưng ước mong có một đứa con vẫn mãi xa vời. Bốn năm qua anh chị đều chọn ở lại Sài Gòn. Năm nay cũng thế! Ngày Tết của đời công nhân đơn giản, ít mứt gừng, hạt dưa, bánh trái phòng khi có con em của đồng nghiệp ghé chơi là xong.

"Trước cũng có về nhưng người thân ghé chơi cứ hỏi "Có gì chưa?", rồi lại xì xào chỉ trỏ. Mình thương vợ nên quyết khi nào có con mới về. Đây với Quảng Bình đi lại cũng tốn kém, về mà không vui, chỉ thêm buồn bực thì đành ở đây mà khỏe", anh Thiện cười.

Lên núi, xuống biển... trốn Tết

Ngô Thanh Sơn (24 tuổi, trọ quận Tân Phú, TP.HCM) hào hứng khoe về dự định mấy ngày Tết sắp đến. Chuẩn bị tốt nghiệp ngành du lịch, thành tựu hai năm COVID-19 vừa qua là cùng lúc chủ nhiệm gần 10 lớp phụ đạo tiếng Anh, và hầu như ít khi bạn có một ngày nghỉ đúng nghĩa nên tự cho mình nghỉ Tết năm nay trước một tháng.

Mùa Tết 2021, Sơn cùng nhóm bạn thân phượt xe máy từ Bình Phước lên Đà Lạt. Ký ức mùa Tết của nhóm bạn trẻ không quá nhiều hình ảnh những bữa tiệc say sưa, thay vào đó là những con đèo, làn sương mai, mùi thơm cỏ cây, đất trời... cứ đâu có cảnh đẹp, cả đoàn dừng chân, pha cà phê, ngắm cảnh và chụp hình.

Tết 2022, cả nhóm chọn hồ Dầu Tiếng cắm trại. Ở đó, mọi người học cách nhóm lửa bằng đá cuội, câu cá, kiếm thức ăn trong tự nhiên và... không làm gì cả. "Tết với tôi ngày trước có quá nhiều điều lo lắng. Chi tiêu, những bữa say sưa, gặp ai câu đầu cũng hỏi nay làm gì, lương bao nhiêu, thưởng Tết nhiều không, mệt lắm", Sơn nói lý do mình "sợ" Tết.

Trong khi đó, một căn nhà vách lá giữa vườn nho xanh ngát, không tiếng còi xe, khói bụi... là điểm dừng chân mà chị Hồng Thư - nhân viên kinh doanh ở quận 3 (TP.HCM) - vạch ra cho mình ở kỳ nghỉ Tết sắp tới.

Đã thành thói quen bao năm qua, mục tiêu của chị mỗi dịp Tết sẽ tìm đến một vùng đất mình chưa từng đến nên gần như chưa có tỉnh, thành phố lớn nào trong nước chưa in dấu chân của cô gái 32 tuổi này. Chưa kể, cuốn hộ chiếu của chị Thư cũng khá đầy dấu hải quan, từ vài nước Đông Nam Á cho đến châu Á, cả các quốc gia châu Âu xa xôi.

Sao không dành thời gian Tết cho gia đình? Câu hỏi quen thuộc mà chị Thư cũng như Sơn vẫn thường được bạn bè, đồng nghiệp, người thân hỏi. Nhưng với chị Thư, một năm làm việc đã thực sự quá mệt mỏi, nhưng mỗi dịp Tết lại thấy mẹ hầu như không có thời gian nghỉ, từ dọn dẹp, ăn diện, bày biện đón Tết... "Tôi không sống kiểu đó được" - chị Thư cười.