Gần tới Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ lễ dài ngày được mong chờ nhất năm nhưng cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người vì không biết khoản tiền thưởng và lương của mình có đủ để chi tiêu. Và cũng theo một cách nào đó, trong cả một năm nay khi tổng kết lại sẽ thấy có những sai lầm trong chi tiêu mà nhiều người cảm thấy "ngớ ngẩn" nhưng cũng có những sai lầm giúp họ có thêm được bài học tài chính xương máu.
Tổng kết lại một năm 2022 với nhiều biến động trong kinh tế, 3 bạn trẻ dưới đây nhận ra bản thân học được nhiều điều hơn là mất. Từ những sai lầm chi tiêu mà bản thân vướng phải để rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn trong năm mới.
Tốn quá nhiều tiền cho ăn uống
Quỳnh Trang sinh năm 1996, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Cuộc sống độc thân là lý do duy nhất để Quỳnh Trang sinh năm 1996, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội nói về việc bản thân đã tốn quá nhiều tiền cho việc ăn uống ở bên ngoài.
Mỗi ngày Trang thường đặt ít nhất 2 bữa ăn bên ngoài, 1 loại nước uống như trà sữa hay trà hoa quả. Chi phí rơi vào khoảng 150 - 200 nghìn/ngày.
Trang cứ nghĩ rằng sống độc thân thì việc ăn ở ngoài giúp tiết kiệm hơn. Nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Bởi bất cứ thứ gì mua ở các cửa tiệm cộng thêm tiền vận chuyển thì sẽ đều đắt hơn là tự nấu ở nhà. Tháng cao điểm Trang tốn tới 9 triệu chỉ tính riêng tiền ăn uống.
Chi phí này Trang thoạt nghĩ thì cũng không phải quá trầm trọng. Nhưng cuối năm nhìn lại nếu cộng dồn từ tháng này này qua tháng nọ thì lại thành khoản lãng phí lớn. Nếu tiết kiệm được khoản phí đó mang đi đầu tư thì 1 đẻ ra 10, nghĩa là lãng phí 1 đồng trong khoản này không phải mất đi 1 đồng mà mất đi 10 đồng trong tương lai.
"Năm mới mình nghĩ sẽ phải cải thiện điều này. Không hẳn là từ bỏ nhưng có nhiều cách để khắc phục khoản phí này không bị quá cao. Ví dụ như chăm chỉ đi chợ hơn để mua đồ ăn cho cả tuần, để tủ lạnh rồi nấu ăn dần cũng là tiết kiệm.
Dành ra một khoản riêng sau khi lĩnh lương mỗi tháng cho tiền uống trà sữa rồi để vào phòng bì, dùng hết là thôi, chứ không tiêu xài hoang phí, đợi tới tháng sau có lương dùng tiếp. Đây là suy nghĩ những cách chi tiêu ít tốn kém hơn mà vẫn đảm bảo giá trị mà mình đã nghĩ ra để áp dụng cho năm tới", Trang chia sẻ.
Tin rằng mua sắm "bạt mạng" để đầu tư vào hình thức sẽ được mọi người coi trọng
Hà Nguyễn, sinh năm 1998 ở Mê Linh. Ảnh: NVCC.
Hà Nguyễn, sinh năm 1998 ở Mê Linh đã mua đồng hồ, quần áo đắt tiền, xe máy xịn, iPhone 13, mỹ phẩm từ những thương hiệu lớn trong năm nay. Toàn bộ những món đồ này tiêu tốn tới hàng chục triệu của cô.
Bởi Hà nghĩ rằng sau hơn 1 năm đi làm thì với sự đầu tư như vậy, bản thân sẽ được đồng nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, ảnh hưởng của kinh tế giá cả leo thang, trong khi lương của Hà thì vẫn giậm chân tại chỗ. Tới cuối năm khi gần đến Tết, suy nghĩ về khoản tiền cần tiêu khiến Hà chợt nhận thấy bản thân chẳng có gì.
"Càng gần đến Tết thì mình càng hoảng sợ bởi mức chi tiêu lớn khiến bản thân không dư dả được đồng nào. Chờ lương thưởng thì mua sắm quá gấp gáp, ra Tết cũng còn rất nhiều khoản phải chi tiêu.
Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng góp ý rằng những thứ thực sự quan trọng là những gì tôi đạt được trong công việc, tôi không nhất thiết phải ăn vận quá đắt tiền. Tất nhiên, hình thức cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là khả năng làm việc, có chăm chỉ không, có kỹ năng tốt không... Đây mới là những điều đồng nghiệp đánh giá cao ở tôi", Hà chia sẻ thêm.
Trong năm tới, Hà sẽ cố gắng thay đổi cách chi tiêu này. Giảm mua sắm quần áo đầu tiên, tiếp theo là học cách sống biết đủ để cải thiện tài chính và giảm các khoản chi tiêu thừa thãi đi.
Mua nhiều món đồ đắt tiền bằng thẻ tín dụng
Mua những thứ đắt tiền bằng thẻ tín dụng và không tiết kiệm được tiền là vấn đề mà Mai Nguyễn (sống tại TP HCM) đang gặp phải. Trong năm nay đã nhiều lần Mai mua dễ dàng một thứ nào đó dù trong tài khoản thanh toán có tiền hay không, bởi cô áp dụng hình thức quẹt thẻ tín dụng.
Mới dùng thẻ tín dụng Mai quan điểm rất đơn giản: "Mình kiếm được nhiều tiền, ít nhất là so sánh với mức lương mà bố mẹ đã làm được khi cũng ở độ tuổi này. Mình còn tự tin là sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai. Nên tại sao mình không được mua những món đồ mình yêu thích? Chỉ nửa tháng hoặc vài ngày nữa là nhận lương, mình sẽ có tiền để thanh toán tiền trong thẻ tín dụng rồi".
Ảnh minh họa.
Thế nhưng vấn đề xảy ra là khi Mai tiêu nhiều tiền hơn là kiếm được. Nợ tín dụng gia tăng và Mai phải gò lưng ra trả. Điều đó khiến Mai hoảng sợ và nhận ra rằng việc chi tiêu không có kế hoạch, thiếu sự tích lũy ảnh hưởng tới bản thân như thế nào.
"Cả 1 năm làm việc mà mình không tiết kiệm được đồng nào. Điều đó thật đáng trách. Trong năm tới nhất định mình sẽ lập ngân sách chi tiêu, lên kế hoạch cụ thể cho những thứ cần mua sắm, cắt bớt những thứ không cần thiết. Đặc biệt, hạn chế hoặc cắt thẻ tín dụng để giảm những khoản tiền mua trước trả sau", Mai tổng kết.
Có thể thấy việc chi tiêu trong một năm với mỗi người đều sẽ khác nhau. Có thể một năm 2022 bạn gặt hái được nhiều thành công trong công việc, mức thu nhập ổn định nhưng nếu không biết cách quản lý chi tiêu thì vẫn sẽ thất thoát tiền bạc. Nếu phát hiện bản thân còn vấp phải những sai lầm chi tiêu nào, ghi chép và chỉnh sửa nó vào năm mới bạn nhé.