Phụ nữ với khát vọng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Admin
(Chinhphu.vn) - Là “phái yếu”, nhưng ngày nay, thực tế đã chứng minh phụ nữ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Phát huy tài nguyên bản địa, nhiều phụ nữ đang mạnh dạn, tự tin mang khát vọng khởi nghiệp của mình vươn cao, vươn xa, lan tỏa và hòa chung vào làn sóng khởi nghiệp quốc gia.

Văn Lãng là một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn, nơi đây chủ yếu là người dân tộc Nùng và Tày sinh sống. Ngoài lúa, hoa màu, thì hồng vành khuyên là cây trồng mang lại thu nhập chính cho người dân trong những năm gần đây.

Tận dụng lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, thời gian qua, HTX Toàn Thương (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) đã đầu tư xưởng sản xuất và bước đầu thành công với sản phẩm hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản. 

Chị Vương Thị Thương (HTX Toàn Thương) cho biết: "Sinh ra và lớn lên dưới tán hồng, tôi thấu hiểu nỗi vất vả của bà con trồng ra được quả hồng thơm ngon, giòn ngọt, nhưng phải chạy đua với nỗi lo được mùa mất giá, được giá mất mùa. Hơn nữa, hồng vành khuyên là loại quả nhiều nước, khó bảo quản lâu, dễ bị dập khi vận chuyển đi xa, nên cần có cách chế biến quả hồng để khắc phục những hạn chế này".

Từ những trăn trở đó, từng là một giáo viên, chị Thương đã bước ra khỏi vùng an toàn, bắt đầu hành trình đi tìm công nghệ chế biến cho hồng vành khuyên, từ đó phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho chính bản thân, gia đình và xã hội, đặc biệt là tạo việc làm mới cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn.

Chị Thương kể, từ năm 2017, chị đã tự tìm hiểu và làm nhiều mẻ hồng vành khuyên treo gió nhưng đều thất bại. Tháng 10/2021, chị may mắn được Sở NN&PTNT tỉnh tạo điều kiện cho tham gia chuyến học tập kinh nghiệm về sản xuất hồng treo gió tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chị Thương đã thăm xưởng chế biến và được hướng dẫn, chia sẻ về kinh nghiệm, cũng như quy trình sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản.

Sau khi trở về nhà, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000 m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và mua sắm thêm các máy móc, thiết bị, như: Máy gọt vỏ, máy hút chân không… với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng.

Chị Thương nhớ lần từng "mất trắng" trên 1 tấn hồng vì bị mốc, hỏng, rụng cuống trong quá trình thử nghiệm do nguồn nguyên liệu quả, nhiệt độ, khí hậu của Lạng Sơn và Lâm Đồng khác nhau. Vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm và điều chỉnh công thức cho phù hợp, đến nay, HTX Toàn Thương đã sản xuất thành công sản phẩm hồng vành khuyên treo gió và bước đầu có sản phẩm đạt chất lượng để cung cấp ra thị trường.

Vụ hồng vành khuyên năm 2022, HTX đã liên kết tiêu thụ với 10 hộ dân và 2 HTX với tổng diện tích 20 ha trồng theo hướng hữu cơ, sản lượng thu được 160 tấn/năm. Dự kiến năm 2023, HTX chế biến 150 tấn hồng tươi, thu được thành phầm 30 tấn, doanh số đạt 12 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Đoạt giải Nhất cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa năm 2023" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, chị Thương mong muốn dự án của mình sẽ xây dựng và phát triển được vùng trồng hồng vành khuyên với quy mô 50-120 ha theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP; góp phần bảo tồn và nâng tầm giá trị giống hồng vành khuyên của huyện Văn Lãng. Đồng thời khi dự án được mở rộng sẽ tạo ra cơ hội việc làm, kinh doanh cho 30 phụ nữ dân tộc Tày, Nùng thông qua sản xuất và tiếp thị các sản phẩm hồng treo gió, thu nhập ổn định khoảng 8-9 triệu đồng/tháng.

Tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt, khát vọng vươn lên trong cuộc sống

Tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ không chỉ ở những chị em phụ nữ vùng miền núi, dân tộc thiểu số, mà còn lan tỏa cả tới cả những phụ nữ khuyết tật, những phụ nữ xuất phát từ hoàn cảnh rất khó khăn, éo le… nhưng với ý chí, nghị lực phi thường đã vượt qua chính mình, chứng minh khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Với nghị lực "tàn nhưng không phế", chị Bùi Thị Yến Nhi (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã quyết tâm khởi nghiệp với nghề làm hoa sáp.

Sinh ra có phần kém may mắn hơn các bạn bè cùng trang lứa, với thân hình nhỏ nhắn và phải di chuyển bằng 10 đầu ngón chân, nhưng chị Bùi Thị Yến Nhi không chấp nhận buông xuôi cho số phận, mà nỗ lực không ngừng trong học tập cũng như công việc để có được cuộc sống tốt đẹp.

Sau khi học xong phổ thông, chị Nhi nhận đan gia công lục bình như những chị em khác ở địa phương. Vốn có niềm đam mê hoa sáp và yêu thích kinh doanh, nên bên cạnh công việc thường ngày, cô gái nhỏ còn tập tành làm những sản phẩm từ hoa sáp để bày biện trong nhà rồi đăng lên mạng xã hội, không ngờ nhiều người chú ý và hỏi mua ngày càng nhiều. Vậy là từ năm 2019, chị Nhi quyết định chọn cho mình hướng đi mới là khởi nghiệp với nghề làm hoa sáp.

Từ những ngày đầu, chỉ có vài đơn hàng, đến nay, khách hàng của chị đến từ nhiều vùng, miền trong cả nước. Khách hàng chủ yếu đặt mua qua các trang mạng xã hội. Những dịp lễ, tết là thời gian bận rộn nhất của chị.

Chị Nhi cũng tận dụng tài nguyên bản địa của địa phương, như cây lúa, khai thác thêm lợi thế của cây tre, lục bình… để đưa vào các sản phẩm của mình. Chị Nhi mong muốn được đem các sản phẩm chị làm ra vào các điểm du lịch, giúp lan tỏa vẻ đẹp của quê hương Hậu Giang đến với nhiều người hơn nữa.

Chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ, trong thời gian qua, chị Nhi còn dạy nghề miễn phí cho nhiều phụ nữ khuyết tật, phụ nữ hoàn lương, giúp họ có tay nghề, kỹ năng bán sản phẩm để có thu nhập trang trải cuộc sống. Hiện đang có 5 chị em phụ nữ khuyết tật làm việc, bán hàng cùng chị Nhi.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN), Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi  Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023  cho hay, năm nay, cả số lượng, chất lượng các dự án đều có sự đột phá hơn hẳn so với các năm trước. Điều đặc biệt trong cuộc thi này là các dự án không dừng lại ở ý tưởng, mà đã và đang ứng dụng vào thực tiễn đời sống.

Nhiều dự án có tính đột phá về công nghệ, sáng tạo trong phương thức tổ chức thực hiện và có tính ứng dụng cao. Một số dự án có tiềm năng lớn ở cả thị trường trong nước và quốc tế, hứa hẹn đóng góp thay đổi một ngành, lĩnh vực sản xuất. Sau cuộc thi, có rất nhiều dự án khởi nghiệp của chị em phụ nữ cần được quan tâm, hỗ trợ để thúc đẩy việc phát triển kinh tế dựa trên tài nguyên bản địa.

"Chúng tôi cũng rất rất xúc động và nể phục khi chứng kiến sự nỗ lực vượt khó, không ngừng học hỏi, vươn lên hoàn thiện của từng dự án qua các vòng thi. Nhiều dự án phụ nữ khởi nghiệp đặc biệt là các dự án của các chị phụ nữ dân tộc, phụ nữ khuyết tật, là tấm gương sáng về tinh thần ý chí nghị lực vươn lên làm chủ cuộc đời. Đó là những câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người", ông Phạm Đức Nghiệm nói.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang chịu nhiều tác động từ các khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới và các yếu tố bất lợi khác, như thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, xung đột giữa một số quốc gia, việc hưởng ứng tham gia cuộc thi với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, khát khao cống hiến của các tác giả dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần phát huy truyền thống tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam, truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng tới phụ nữ cả nước.

Cuộc thi đã khép lại, nhưng trải qua các vòng thi, các chị em đều được hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực xây dựng dự án, kiến thức và kỹ năng về thị trường, quản trị doanh nghiệp, viết dự án, thuyết trình… Các dự án tiêu biểu sẽ tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ trong thời gian tới. Qua đó, tiếp thêm động lực, kiến thức để chị em mạnh dạn, tự tin hơn, vượt qua định kiến, chủ động vươn lên làm chủ cuộc sống và viết nên câu chuyện khởi nghiệp từ đam mê riêng.

Hoàng Giang