Quy hoạch quốc gia cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số

Admin
Các ĐBQH cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần làm rõ vai trò của từng ngành kinh tế cũng như việc phân bổ nguồn lực để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.

Quy hoạch cửa khẩu đang tách rời

Sáng 6/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã rất công phu, khoa học khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Quy hoạch đề cập đến không gian biển cho các ngành lĩnh vực có nhu cầu sử dụng không gian biển. Tuy nhiên, lại không đề cập đến ngành công nghiệp điện (điện gió, điện nắng).

Theo ông Trí, thực tế ở Việt Nam có rất nhiều đảo có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp điện này. Vì thế, trong Quy hoạch cần chú trọng đến việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ra sao, quy hoạch thế nào?

Đồng thời, có quy hoạch tổng thể để phát triển ngành thủy hải sản; quy hoạch không gian phát triển của các đảo, hải đảo không chỉ để phát triển kinh tế mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời, làm thế nào để hậu cần nghề cá phát triển tại các đảo để giúp ích cho phát triển lĩnh vực này.

Tiêu điểm - Quy hoạch quốc gia cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số

ĐBQH Nguyễn Anh Trí thảo luận tại tổ sáng 6/1 (Ảnh: Hoàng Bích).

Cùng với đó, theo đại biểu đoàn Hà Nội, việc quy hoạch biên giới quốc gia cũng như định hướng phát triển cửa khẩu biên giới có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, Quy hoạch cần hướng đến việc tạo điều kiện cho người dân sinh sống, làm việc gần biên giới càng tốt, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều quan trọng nhất là giúp người dân sống đoàn kết và cùng nhau bảo vệ chủ quyền biên giới hòa bình, an toàn. Để làm được điều đó, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần dành nhiều nguồn lực ưu tiên hơn nữa cả về đầu tư cơ sở hạ tầng đến cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển về mọi mặt cho người dân sinh sống tại các vùng biên.

Cũng nêu ý kiến đóng góp vào quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang) cho biết, hiện nay đang có 168 cửa khẩu các loại gồm đất liền, cảng biển, cảng hàng không.

Trong đó, Bộ đội biên phòng trực tiếp quản lý 154 cửa khẩu, bao gồm cả đất liền, cảng biển; còn lại 10 cửa khẩu hàng không và 4 cửa khẩu cảng nội địa thì do Bộ Công an quản lý. Song, ông Chiến đánh giá công tác quy hoạch cửa khẩu hiện nay đang tách rời, chưa thành một thể thống nhất hệ thống cửa khẩu trong cả nước.

Vị đại biểu cũng chỉ ra, quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền trong báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phải nâng cấp và mở mới 63 cửa khẩu, trong đó nâng cấp và mở mới cửa khẩu quốc tế với 21 cửa khẩu chính và 22 cửa khẩu phụ.

“Tôi nghĩ rằng đây là một số liệu cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ, bởi khi mở, nâng cấp cửa khẩu thì quy trình rất phức tạp, mất thời gian. Thông thường làm nhanh thì cũng mất 2-3 năm, thậm chí có những cái làm 4-5 năm chưa xong. Không phải mình muốn làm là làm được, cần sự thống nhất của Chính phủ, chính quyền hai bên”, ông Chiến nói.

Tiêu điểm - Quy hoạch quốc gia cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số (Hình 2).

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang).

Do đó, vị đại biểu yêu cầu cần có sự nghiên cứu, quy định theo hướng mở hơn, cơ động hơn, linh hoạt hơn, tính toán phù hợp với thực lực để có đánh giá phù hợp, sát với thực tiễn và có thể triển khai được.

“Việc đưa ra các số liệu để mở hay nâng cấp các cửa khẩu cũng chỉ nên là môt số liệu tương đối, không nên ấn định số cứng”, vị đại biểu nêu quan điểm. Về vấn đề đầu tư hạ tầng, trong mục tiêu Quy hoạch cũng nêu rõ đầu tư hạ tầng cửa khẩu hiện đại để đảm bảo an ninh biên giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng, hiện đang có 27 khu kinh tế cửa khẩu biên giới đất liền, hoạt động hàng chục năm nay, song cơ bản các khu kinh tế cửa khẩu này chưa thực sự trở thành động lực lớn để phát triển các khu kinh tế biên giới.

“Nhiều lúc đầu tư hạ tầng rất lớn nhưng cuối cùng lại không thu hút được đầu tư nước ngoài vào khu vực này”, ông Chiến nói và cho rằng, cần có quy định ưu tiên đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, kiểm soát cửa khẩu, quản lý cửa khẩu.

“Những cửa khẩu nào đang phát triển tốt, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh lớn và có khả năng phát triển lớn thì chúng ta cần đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực của Nhà nước cũng như của xã hội”, ông Chiến nhấn mạnh.

Khai thác thế mạnh kinh tế biển

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc rất công phu, khoa học.

Tuy nhiên, theo đại biểu việc triển khai thực hiện Quy hoạch ra sao cho hiệu quả mới là vấn đề được người dân quan tâm. Đồng thời, Quy hoạch cần chú trọng đến việc phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, hướng đến phát triển “nền kinh tế số”, “nền kinh tế xanh”; định hướng phát triển không gian biển…

“Việt Nam là một quốc gia biển nhưng trong Quy hoạch chưa làm rõ những tiềm năng, thế mạnh cũng như chiến lược phát triển các ngành kinh tế biển của nước ta. Vì thế, cần phải bổ sung và làm rõ quan điểm này, trong đó nhấn mạnh đến bảo đảm an ninh kinh tế và môi trường biển”, đại biểu Tạ Đình Thi nói.

Tiêu điểm - Quy hoạch quốc gia cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số (Hình 3).

Đại biểu Tạ Đình Thi (Ảnh: Hoàng Bích).

Cũng đánh giá cao các nội dung được đề cập trong Quy hoạch, song đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng đây là "quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang “hình hài” của một tỉnh, thành nào đó và chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia".

Cụ thể, các thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường” thì dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào?...Những vấn đề này chưa được đề cập trong Quy hoạch nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ.

Tiêu điểm - Quy hoạch quốc gia cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số (Hình 4).

Đại biểu Hoàng Văn Cường quan tâm đến việc phát triển ngành du lịch biển (Ảnh: Hoàng Bích).

Đại biểu cũng cho rằng, trong Quy hoạch cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì, ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.

Về vấn đề kinh tế biển, đại biểu Hoàng Văn Cường quan tâm đến việc phát triển ngành du lịch biển của Việt Nam, theo đó cần tạo sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực để thu hút khách du lịch. Cùng với đó, cần chú trọng quy hoạch các cảng – hải cảng ven biển để trở thành nơi thu hút phát triển kinh tế, du lịch.

Hoàng Bích - Thu Huyền