Sầu riêng hướng tới tỷ đô tại thị trường tỷ dân

Admin
Khi tiến sâu vào thị trường Trung Quốc, chuyên gia dự đoán, ngay trong năm 2023, sầu riêng sẽ là trái cây xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam.

Năm 2022 có thể nói là năm kỳ tích của mặt hàng sầu riêng . Chỉ trong 1 tháng, sau khi được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, trong tháng 10, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng chưa từng có trong lịch sử ngành sầu riêng Việt Nam.

Còn tại Trung Quốc, sầu riêng được ví von là vua của các loại trái cây bởi vị ngon độc đáo và giàu dinh dưỡng. Nhiều người dân Trung Quốc thích ăn những loại trái cây đặc trưng của xứ nhiệt đới, trong đó có sầu riêng Việt Nam. Đây là cơ hội để quả sầu riêng tiến sâu vào nội địa, chinh phục thị trường gần 1,5 tỷ dân này.

Gian hàng trái cây Việt Nam tại trung tâm triển lãm Higreen, TP Thiên Tân, sầu riêng là tâm điểm. Lần đầu tiên, người dân khu vực phía Bắc Trung Quốc được ăn sầu riêng nhập chính ngạch made in Việt Nam. Mất 3 ngày, container sầu riêng đã tới tay người tiêu dùng. Tươi ngon, vừa kịp chín tới nên hầu hết người dân đều chọn sầu riêng để nếm thử một cách thích thú.

Sầu riêng hướng tới tỷ đô tại thị trường tỷ dân - Ảnh 1.

Nhiều người dân Trung Quốc thích ăn những loại trái cây đặc trưng của xứ nhiệt đới, trong đó có sầu riêng Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Lâu nay tôi cứ nghĩ trái sầu riêng chưa nứt ra và có màu xanh là chưa chín. Giờ mới biết sầu riêng Việt Nam xanh nhưng đã rất thơm, ngon. So với ăn các loại sầu riêng trước đây, quả thật sầu riêng Việt Nam ngọt đậm đà, béo và chín mềm", chị Hứa Huan Mai, người dân Thiên Tân, Trung Quốc, chia sẻ.

Tại Trung Quốc, sầu riêng đang món hot trend - món yêu thích của giới trẻ. Pizza sầu riêng, nước uống pha với sầu riêng, bánh nhân sầu riêng và cả lẩu gà nước dừa với sầu riêng.

Sầu riêng luôn là trái cây nhiệt đới đắt đỏ. Giá bán phổ biến tại các siêu thị Bắc Kinh là 80 Nhân dân tệ/kg, tương đương 280.000 đồng. Những tháng đầu xuất sang Trung Quốc, bao nhiêu hết bấy nhiêu, các siêu thị luôn đứt hàng vì cung không đủ cầu, với mã số vùng trồng được cấp còn ít, không thấm tháp vào đâu ở thị trường tỷ dân.

"Ôi nhìn rất là ngon. Trời ơi tôi mong sầu riêng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhiều vào Trung Quốc. Trong lòng cũng hy vọng là sầu riêng tự do đi lại khắp nơi để giá giảm xuống cho nhiều người cùng được ăn", chị Ngô Trân, người dân Bắc Kinh, Trung Quốc, bày tỏ.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết cung cấp sầu riêng cho Higreen - doanh nghiệp logistics, phân phối nông sản hàng đầu phía Bắc Trung Quốc. Higreen chiếm 70% sản lượng trái cây nhập khẩu tại TP Thiên Tân và cung cấp cho các chợ đầu mối tại Bắc Kinh, Hà Bắc.

Hiện ngoài sầu riêng Thái Lan, đã có thêm sầu riêng tươi Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam thu hoạch gần như quanh năm nên mùa Tết khi không có sầu riêng Thái Lan, sầu riêng Việt Nam độc chiếm thị trường trong nhiều tháng.

Thay đổi tư duy canh tác sầu riêng

Dự kiến đến năm 2024, Việt Nam sẽ có 51 vùng trồng, với tổng diện tích gần 3.000 hecta sầu riêng, được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Từ niềm vui lớn này, nông dân trồng sầu riêng đang chủ động hơn trong việc ứng dụng các giải pháp canh tác bền vững, quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đã thành thói quen, công việc ông Bùi Đình Trọng (xã Ea Tar, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) hàng ngày vẫn làm khi đến thăm vườn sầu riêng là mở ứng dụng nhật ký điện tử để cập nhật thông tin mới nhất về hiện trạng cây trồng cũng như các hoạt động kỹ thuật đang diễn ra trên vườn.

"Khi chúng tôi chăm sóc vườn, thời điểm nào chúng tôi đều ghi lại để nhỡ có quên thì chúng tôi vẫn biết được là đã đến thời điểm nào và chăm sóc như thế nào theo chỉ dẫn của công ty, kỹ thuật của hợp tác xã", ông Bùi Đình Trọng, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk, cho hay.

Chỉ sau 6 tháng thực hành, nhật ký điện tử đã trở nên gần gũi không chỉ mỗi ông Trọng mà với nhiều nông hộ thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Tấn Khang. Ứng dụng này cho phép cả người sản xuất, người bán hàng và người tiêu thụ giám sát quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm sầu riêng.

Khi đã có nhật ký canh tác, việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt hay minh bạch thông tin sản phẩm càng trở nên đơn giản. Chính những yếu tố cốt lõi này đã giúp Đắk Lắk trở thành địa phương được cấp mã số vùng trồng nhiều nhất cả nước, với 23 mã số vùng trồng cho gần 1.500 hecta sầu riêng.

Giá trị sầu riêng xuất khẩu tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với trước đây đã tạo động lực mạnh mẽ để người nông dân thêm phần tự tin, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các quy trình quản lý, kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Thông qua đó, số lượng các vùng trồng đạt chuẩn sẽ ngày càng được nâng cao.

Xây dựng hệ sinh thái phát triển sầu riêng

Theo ước tính của Bộ Công Thương, dự kiến mỗi năm, có ít nhất 68.000 tấn sầu riêng "made in Vietnam" được bày bán tại các cửa hàng, chuỗi siêu thị của Trung Quốc. Để trái sầu riêng mang về giá trị tỷ đô, cần có các giải pháp mang tính bài bản, chuyên sâu, nhằm phát triển ngành hàng này một cách bền vững, cũng như phòng chống các rủi ro trong thương mại.

Tới đây, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thiết lập 35 mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 2.000 hecta. Số lượng này có thể tăng lên khi hồ sơ của các vùng trồng khác đang tiếp tục được gửi đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt.

Thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng "hệ sinh thái sầu riêng" với sự tham gia của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã.

Việc tham gia vào "hệ sinh thái sầu riêng" sẽ giúp quá trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói… được thực hiện một cách chuyên nghiệp và minh bạch.

Sầu riêng hướng tới tỷ đô tại thị trường tỷ dân - Ảnh 2.

Giá trị sầu riêng xuất khẩu tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với trước đây. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Hiện nay mới có một quy định là nếu anh sử dụng không đúng mã vùng trồng thì có thể bị thu hôi và nếu khắc phục không tốt nữa thì sẽ bị hủy mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. Tuy nhiên sắp tới, tôi cho rằng chế tài sẽ cần nhiều mức độ khác nhau và phải chặt chẽ hơn, kiểm soát được tất cả tình huống có thể vi phạm để giữ uy tín", ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết.

"Bây giờ đã đến lúc chúng ta nhìn thị trường để sản xuất chứ không còn là sản xuất rồi mới nhìn thị trường. Đây là câu chuyện của quản lý nhà nước nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của người nông dân bởi người nông dân rất đông. Chỉ cần 1 người làm không đúng thì sẽ làm mất đi hình ảnh sản xuất chung đầy tiềm năng của chúng ta", Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định.

Để "những tấm hộ chiếu xuất ngoại" của sầu riêng trở nên bền vững, điều cần thiết là phải có sự đoàn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tránh tư duy chen chúc, giành giật nhau…, và hơn hết là tuân thủ nghiêm túc các quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà là xuyên suốt cả quá trình sản xuất.