Sự sụp đổ gây sốc của một startup triệu USD: Vừa gọi vốn 150 triệu USD, 4 tháng sau phá sản, CEO ‘thao túng tâm lý’ để gây dựng hình ảnh

Admin
Tính đến ngày 20/7/2022, Pollen và các công ty con đã nợ khách hàng 8 triệu USD tiền hoàn lại và khoảng 80 triệu USD các hóa đơn chưa thanh toán.

Callum (32 tuổi) và Liam Negus-Fancey (29 tuổi) là hai anh em đồng sáng lập công ty tổ chức sự kiện Pollen ở Anh. Ở thời kỳ đỉnh cao, Pollen huy động được hàng trăm triệu USD vốn đầu tư và được định giá 800 triệu USD.

Việc công ty mẹ của Pollen đột ngột đệ đơn xin phá sản vào tháng 8/2022 đã gây chấn động giới khởi nghiệp của Anh và thế giới vì trước đó chỉ bốn tháng, Pollen vừa gọi vốn thành công 150 triệu USD.

Dưới đây là câu chuyện thành lập và sụp đổ cùng những lùm xùm xung quanh Pollen:

Sự sụp đổ gây sốc của một startup triệu USD: Vừa gọi vốn 150 triệu USD, 4 tháng sau phá sản, CEO ‘thao túng tâm lý’ để gây dựng hình ảnh - Ảnh 1.

Năm 2008, ở tuổi 17, Callum bỏ học để khởi động dự án kinh doanh đầu tiên của mình - Let's Go Crazy, chuyên tổ chức các sự kiện âm nhạc điện tử đêm muộn dành cho thanh thiếu niên chưa đủ tuổi. Liam sau đó cũng bỏ học và vào năm 2012, họ thành lập Physical Network - nơi tuyển dụng người hâm mộ để bán vé cho các lễ hội âm nhạc. Công ty đã phát triển thành Verve và được đổi tên thành Pollen năm 2018. Cùng năm đó, Pollen thuê một văn phòng tại quận ROW DTLA thời thượng ở Los Angeles. Ngoài Anh, Pollen còn có văn phòng tại Mỹ và Ba Lan.

Đến năm 2020, Pollen đã chuyển hướng từ bán vé của các lễ hội sang tổ chức các sự kiện âm nhạc của riêng mình, hợp tác với các khách sạn hàng đầu như MGM Grand ở Las Vegas và Grand Hyatt Playa del Carmen Resort để bán các "trải nghiệm" trọn gói có giá từ 399 USD đến 3.500 USD/vé cộng với các tiện ích bổ sung như chèo thuyền ngắm bình minh.

Sự sụp đổ gây sốc của một startup triệu USD: Vừa gọi vốn 150 triệu USD, 4 tháng sau phá sản, CEO ‘thao túng tâm lý’ để gây dựng hình ảnh - Ảnh 2.

Callum (bên phải) và Liam Negus-Fancey.

Anh em nhà Negus-Fancey là những người có tham vọng lớn. Callum từng nói: “Khi mọi người nhìn lại sau 10 năm và nghĩ về năm kỷ niệm đáng nhớ nhất, chúng tôi muốn họ nghĩ rằng Pollen đứng sau ba kỷ niệm trong số đó”.

Callum được coi là gương mặt đại diện của Pollen. Với vẻ ngoài trẻ trung, anh là một người ăn nói trôi chảy và có thể thu hút những nhà đầu tư đa nghi nhất. Một nhân viên cho biết cô và đồng nghiệp đã rơi nước mắt khi đọc một email mà Callum viết về niềm đam mê của mình đối với Pollen. Callum chào đón mọi người bằng một cái ôm và một nụ hôn lên má.

Sự sụp đổ gây sốc của một startup triệu USD: Vừa gọi vốn 150 triệu USD, 4 tháng sau phá sản, CEO ‘thao túng tâm lý’ để gây dựng hình ảnh - Ảnh 3.

Trong khi đó, một nhân viên khác của Pollen nói rằng mặc dù đã làm việc ở đó nhiều tháng nhưng cô chưa bao giờ nhìn thấy mặt Liam. Một số người khác cho biết Liam thất thường và khó đoán, đôi khi vô cớ cáu kỉnh với nhân viên. Với tư cách là giám đốc doanh thu, anh đã giao dịch với nhiều nghệ sĩ và nhà cung cấp. Liam cũng đã sử dụng thẻ công ty Pollen để tài trợ cho một số chi phí cá nhân, ba nhân viên cho biết.

Khi lệnh phong tỏa do Covid-19 được gỡ bỏ, các sinh viên đại học và những người yêu thích lễ hội đã đổ xô đến các sự kiện của Pollen. Năm 2021, công ty chứng kiến doanh số tăng 300% so với mức trước đại dịch.

Điều này đã khiến các nhà đầu tư chú ý. Vào tháng 4/2022, chỉ bốn tháng trước khi phá sản, Pollen đã nhận được khoản tài trợ Series C trị giá 150 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư, đưa công ty đạt mức định giá 800 triệu USD. Thậm chí, Pollen còn nhắm mục tiêu tổng lượng đặt chỗ trước đạt 1 tỷ USD trong năm 2023.

Việc Liam và Callum thích tiệc tùng được nhiều nhà đầu tư đánh giá là phù hợp với nghề tổ chức sự kiện của họ. Chính vì thế, các hành vi của anh em nhà Negus-Fancey không bị họ nghi ngờ.

Khi Pollen ngày càng phát triển, Callum bắt đầu liệu pháp “thao túng tâm lý” để trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn. "Tôi muốn được yêu thích nhưng cũng muốn có thể làm điều đúng đắn cho công ty”, Callum chia sẻ với Forbes.

Sự sụp đổ gây sốc của một startup triệu USD: Vừa gọi vốn 150 triệu USD, 4 tháng sau phá sản, CEO ‘thao túng tâm lý’ để gây dựng hình ảnh - Ảnh 4.

Cuối tháng trước, anh em nhà Negus-Fancey đã bị nhân viên cáo buộc có lối sống phóng túng và đưa hoạt động kinh doanh của công ty đi vào ngõ cụt. Theo Business Insider, tháng 5/2019, CEO Callum Negus-Fancey và em trai tổ chức một sự kiện cắm trại cùng 400 nhân viên ở California trong 5 ngày liên tiếp để ăn mừng việc huy động thành công gần 30 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm.

Tại đây, mọi người ở trong những chiếc cabin và lều có mái che, tận hưởng sự kiện với các DJ, vũ công nhào lộn và nghệ sĩ uốn dẻo. Tổng cộng, tất cả đã tiêu tốn của công ty khoảng nửa triệu USD.

Theo bốn nhân viên cũ, những người tham dự đã sử dụng nhiều loại chất kích thích khác nhau và họ uống rượu nhiều đến nỗi phải đi mua thêm. “Đó là một trong những thứ điên rồ nhất mà tôi từng trải qua”, một nhân viên của Pollen cho biết.

Trong khi đó, đại diện của Pollen cho biết công ty không dung túng cho hành vi sử dụng chất kích thích. Đồng thời, người này nói thêm rằng họ không nhận được bất cứ khiếu nại nào từ nhân viên và sự kiện đó nhận được điểm đánh giá 9/10 trong cuộc khảo sát mức độ hài lòng của những người tham dự.

Ba năm sau, công ty mẹ của Pollen- StreetTeam Software Limited, đệ đơn xin phá sản vào tháng 8/2022. Khoảng 430 nhân viên đã bị cho nghỉ việc mà không nhận được tháng lương cuối cùng.

Sự sụp đổ gây sốc của một startup triệu USD: Vừa gọi vốn 150 triệu USD, 4 tháng sau phá sản, CEO ‘thao túng tâm lý’ để gây dựng hình ảnh - Ảnh 5.

Nhìn từ bên ngoài, sự sụp đổ của Pollen là một cú sốc. Khi anh em nhà Negus-Fancey thành lập công ty (tên ban đầu là Verve) vào năm 2014, họ đã gặt hái thành công nhanh chóng. Trong bảy năm, Pollen đã huy động được hơn 200 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm và làm việc với một số tên tuổi lớn nhất trong làng âm nhạc, bao gồm Justin Bieber, 50 Cent và Scooter Braun.

Tuy nhiên, theo 31 cựu nhân viên của Pollen, sự xuống dốc của công ty đã xảy ra trong nhiều năm qua. Họ nói rằng hai anh em nhà Negus-Fancey điều hành Pollen như cách tổ chức các bữa tiệc thác loạn. Chất kích thích, rượu bia và tiệc tùng là một phần không thể thiếu của công việc.

Một số người cho biết văn hóa đó đã tạo điều kiện cho nhiều hành vi không đúng mực. Theo cuộc khảo sát của Business Insider, nhiều nhân viên nữ đã liệt kê “quấy rối tình dục” là một trong những điều khiến họ lo lắng nhất khi làm việc tại Pollen. Một cô gái nói rằng Liam đã động chạm cô một cách không thích hợp. Thậm chí, Pollen đã phải trả tiền cho một cô gái khác sau khi người này lên tiếng về việc bị Callum quấy rối tình dục.

Bên cạnh đó, hai anh em nhà Negus-Fancey đã có nhiều khoản chi xa hoa, bao gồm 63.000 USD để thuê một biệt thự sang trọng ở đảo Ibiza.

Việc hấp tấp ra quyết định của họ cũng đã gây ra không ít rắc rối. Tháng 1/2022, hàng nghìn khách hàng của Pollen đã bay đến Playa Del Carmen (Mexico) để tham dự một lễ hội lớn trong bối cảnh số lượng ca mắc Covid-19 đang gia tăng trong khu vực. Sau khi chính quyền địa phương yêu cầu giới hạn 50% sức chứa, Pollen đã đột ngột hủy bỏ toàn bộ sự kiện. Một số vị khách nói rằng đến tháng 11/2022, họ vẫn chưa được hoàn tiền.

Khi tin đồn xung quanh Pollen tăng lên, anh em nhà Negus-Fancey muốn phát triển nhanh hơn, tổ chức các sự kiện lớn hơn và chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Họ đã nhìn thấy cơ hội không chỉ để thay đổi cách mọi người trải nghiệm ngành công nghiệp giải trí mà còn để gia nhập hàng ngũ của giới thượng lưu công nghệ. Các nhà đầu tư đổ xô đến rót tiền cho Pollen và họ trở thành những giám đốc cấp cao giàu có, tài giỏi.

Tuy nhiên, trong thế giới khởi nghiệp, việc này có thể dẫn tới kết cục thảm hại và thực tế đã chứng minh rằng sự quản lý kém hiệu quả, “làm màu” như anh em nhà Negus-Fancey đã khiến họ phải trả giá bằng công ty từng được định giá 800 triệu USD của mình.

Nguồn: BI, NYP