Tạo điều kiện để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh

Admin
(Chinhphu.vn) - Công nghiệp hỗ trợ được xác định là một trong những lĩnh vực then chốt đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Tăng cường kết nối

Thành phố Hà Nội xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế bền vững, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là động lực để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, năm 2023, các doanh nghiệp trong hiệp hội hầu hết đã vượt qua được khó khăn trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và mất đi bạn hàng, nhờ tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại rất quy mô trong nước thông qua sự giúp đỡ của Bộ Công Thương, các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội; các doanh nghiệp thành viên hiệp hội đã tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng sáng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói riêng.

Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc hình thành nên những tổ hợp sản xuất trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Đơn cử như tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội do Tập đoàn N&G làm chủ đầu tư đã thu hút đầu tư, hợp tác và kết nối các doanh nghiệp tiêu biểu có năng lực sản xuất thực tế, có các sản phẩm linh kiện để hợp tác với các doanh nghiệp FDI lớn.

Về năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố cũng phải "tự thân", nâng cao năng lực tốt hơn, sản phẩm sản xuất ra phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà cung cấp cho các doanh nghiệp đặt hàng.

Cũng trong năm qua, nhiều cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội đã được Sở Công Thương chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

Trong đó, sản xuất linh kiện, phụ tùng là nhóm chủ chốt, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ vẫn bộc lộ nhiều tồn tại. Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung và Hà Nội nói riêng còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ôtô vào khoảng 35-50 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), việc đầu tư, xây dựng, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội lại càng khó khăn do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công và một số dịch vụ khác tăng cao…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành Thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Cùng với đó, Hà Nội cũng tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố, cũng như doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số), thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực.

 Thành phố cũng xây dựng website về công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, trong đó cung cấp các nội dung liên quan, thông tin, dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ…

Trong Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2024, có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu hoàn thành trước một năm so với kế hoạch; có khoảng 35-40% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Để đạt mục tiêu đặt ra, Thành phố sẽ đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội triển khai mô hình nhà máy thông minh; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Thành phố sẽ giao các sở, ngành tổ chức 2 hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2024, có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan,...), tạo môi trường tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm sản xuất chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện...

Diệu Anh