Taxi truyền thống đã thay đổi...

Admin
Sau một thời gian dài chao đảo trước làn sóng công nghệ app gọi xe phủ khắp Việt Nam, nhiều hãng taxi truyền thống đã trở lại cuộc đua.
Taxi truyền thống đã thay đổi... - Ảnh 1.

Hành khách đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: C.TRUNG

Việc các hãng mạnh tay đầu tư vào ứng dụng (app), đặc biệt là giúp ổn định giá cước, giá cước taxi truyền thống vào giờ cao điểm rẻ hơn 20-30% so với các ứng dụng đặt xe công nghệ... đã thu hút được nguồn tài xế và khách hàng.

Chuyển từ xe công nghệ sang taxi

Sau thời gian mua ô tô chạy xe công nghệ, đến nay nhiều tài xế đều thừa nhận thời "ngon ăn" của app gọi xe công nghệ đã qua. Anh Khoa (quận Gò Vấp, TP.HCM), tài xế gắn bó với xe Uber, Grab từ thời kỳ đầu, cho biết đã "chia tay" với ứng dụng để chuyển sang chạy taxi truyền thống.

Theo anh Khoa, những năm 2015-2017, tài xế xe công nghệ có thu nhập ổn định 1,5-2 triệu đồng/ngày do số cuốc xe đặt nhiều, chiết khấu thấp, chưa kể app tung khuyến mãi liên tục nên thu hút nhiều khách hàng.

Tuy nhiên, sau thời gian chiết khấu thấp và giá cước rẻ, các hãng công nghệ liên tục tăng tỉ lệ chiết khấu, đến nay trung bình là 32%, tài xế không có ăn như trước. "Giá cước của các hãng taxi công nghệ và truyền thống tương đương nhau. Trong khi taxi truyền thống vừa có ứng dụng đặt chuyến, vừa có tổng đài và đặc biệt là mức ăn chia, mức chiết khấu của các hãng taxi có lợi cho tài xế hơn", anh Khoa khẳng định.

Các hãng taxi Vinasun, Mai Linh... cũng chuyển sang mô hình "hợp tác kinh doanh thương quyền" để giảm áp lực vận hành.

Vinasun áp dụng phí thương quyền 11 triệu đồng/năm, ký quỹ 12 triệu đồng ban đầu, tài xế hợp tác với Vinasun nhận mức chiết khấu 15,5% doanh thu hằng ngày, được khai thác hệ thống tổng đài, điểm tiếp thị, sân bay và được hỗ trợ thủ tục đổi màu xe của họ.

Ngoài đội ngũ tài xế của riêng mình, các hãng còn thu nạp thêm đối tác (tài xế) như cách làm của các hãng xe công nghệ. Giá cước cũng ổn định, đồng nhất giữa đồng hồ gắn trên xe và trên app, không biến động nhiều khi kẹt xe, giờ cao điểm.

Mọi lái xe phải tuân thủ quy chế của công ty, chịu sự giám sát và điều hành của tổng đài trung tâm, khách hàng có thể phản ánh chất lượng dịch vụ của hãng xe ngay lập tức.

Chị Nguyễn Minh Trang (quận Bình Thạnh) cho biết cước taxi và xe công nghệ ở thời điểm gần đây chênh lệch không đáng kể. Trong khi đó phiền toái nhất ở xe công nghệ là đủ loại phí vào giờ cao điểm, trời mưa để nâng giá cước với khách hàng. Trong khi đó giá taxi truyền thống vẫn không đổi.

"Do đó nếu muốn gọi xe vào giờ cao điểm, taxi truyền thống lại được người tiêu dùng ưu tiên hơn", chị Trang cho biết.

Taxi truyền thống đã thay đổi... - Ảnh 2.

Người dân đặt taxi truyền thống qua app ở quận Phú Nhuận, TP.HCM trưa 5-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Số lượt khách tải app taxi tăng vọt

Kể từ khi xuất hiện Uber và Grab tại Việt Nam khoảng năm 2015, taxi truyền thống cũng bắt đầu cho cài app gọi xe. Tuy nhiên, theo đại diện một hãng taxi, việc phát triển app vô cùng khó khăn. Với taxi truyền thống, khách đã quen gọi tổng đài, vẫy xe ngoài đường nên chưa quen với việc gọi taxi bằng app.

"Qua từng năm cải tiến các tính năng của app, trong đó nâng cấp server, phạm vi bán kính quét để tìm lái xe gần khách hàng, các phương thức thanh toán được cải thiện", vị này nói.

Thống kê của một hãng taxi, số cuốc đặt xe qua app thành công bình quân khoảng 10.000 cuốc/ngày, chiếm 30% tỉ lệ trong việc khách gọi qua tổng đài hoặc vẫy xe. Số lượng khách tải app tính tới tháng 9-2022 đạt 180.000 khách, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.

"Taxi và xe công nghệ cùng chung thị trường nhưng khi công nghệ lan tỏa vào, taxi cũng phải thay đổi mạnh về công nghệ để cạnh tranh" - vị này nói và cho rằng app là công cụ điều phối, chỉ định việc đón khách hợp lý, hạn chế tối đa việc chạy xe rỗng để tìm kiếm khách.

Dù vậy các hãng xe truyền thống thừa nhận vẫn còn nhiều rào cản khi thiếu nhân sự phát triển app, chất lượng định vị điểm đón chưa chính xác, chỉ dẫn lộ trình chất lượng còn thấp. Tình trạng lái xe chưa nghiêm chỉnh thực hiện quy trình, quy định về sử dụng app là bài toán khó, cần được đào tạo, hướng dẫn kỹ hơn để cải thiện tình hình.

Theo ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải xe khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, lúc mới hoạt động, các hãng xe công nghệ ra sức chăm sóc khách hàng với hàng loạt chương trình ưu đãi như giá cước rẻ, giảm giá, tặng thêm chuyến miễn phí. Thế nhưng, khi có thị phần, họ quay lại áp đặt đủ thứ phí, tăng giá cước vô tội vạ.

"Việc nhiều người chọn đi taxi truyền thống trở lại là điều dễ hiểu. Nhưng vẫn còn một số khó khăn với các app taxi do lái xe tùy tiện tắt app, hủy chuyến hoặc nghỉ kinh doanh nhưng không bấm 'tạm nghỉ' cũng gây khó cho việc điều phối", ông Tính nói.

Xe công nghệ không còn vung tay khuyến mãi

Ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho rằng có thời điểm toàn bộ khách hàng, tài xế của các hãng taxi gần như chuyển hết sang xe công nghệ. Nhưng gần đây, các hãng xe công nghệ phải tăng thu khiến giá cước ngày càng cao, xấp xỉ với taxi truyền thống.

"Các hãng xe công nghệ gần như không còn đủ sức để vung tay khuyến mãi, thực hiện các chuyến xe 0 đồng, chuyến xe giá rẻ như ban đầu nữa", ông Hỷ nói và cho biết đây cũng là một trong những lý do mà mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt khách tương tác, đặt xe qua ứng dụng của hãng truyền thống thời gian gần đây.

App taxi truyền thống chỉ để gọi xe là chưa đủ

Nhiều khách hàng cho rằng có tải app của taxi truyền thống nhưng tỉ lệ quay lại sử dụng thường xuyên không bằng các ứng dụng của Grab, Be, Gojek...

Chị Minh Nguyệt - nhân viên một công ty logistics (quận 1) - đánh giá phần mềm của taxi truyền thống đã có cải tiến, thanh toán đa phương thức nhưng mức độ trải nghiệm không tốt bằng các app công nghệ.

"Ví dụ tôi đang dùng app của Be để đặt xe, đặt giao hàng, đồ ăn, mua vé máy bay, đặt xe khách liên tỉnh, thậm chí mua vé số online. Hầu như các app công nghệ đáp ứng nhiều nhu cầu chứ không như taxi truyền thống, chủ yếu chỉ gọi xe" - chị Nguyệt lý giải.

Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng khách hàng chưa mặn mà sử dụng app của taxi truyền thống do trải nghiệm chỉ gói gọn đặt xe. "Hãng taxi đói vốn, ít tiền thưởng cho tài xế, trong khi xe công nghệ vẫn có những chương trình "lấy lòng" khách lẫn tài xế hiệu quả hơn", vị này nói.