Thủ tướng: Đừng mất thời gian với những dự án đầu tư lặt vặt

Admin
Năm 2022, Bộ Kế hoạch và đầu tư cắt giảm khoảng 5.000 dự án đầu tư công để tập trung vốn cho các dự án hạ tầng chiến lược. Đây là tư tưởng xuyên suốt của Chính phủ nhiệm kỳ này.

Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ngày 4-1 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lĩnh vực đầu tư công sẽ còn phải cắt giảm số dự án thêm nữa, vì dự án có vốn một tỉ đồng với một ngàn tỉ đồng thủ tục như nhau.

Ông lưu ý là phải thống nhất về mặt tư tưởng, nhận thức, chỉ đạo, phân bổ, huy động nguồn lực làm sao để không dàn trải. "Các địa phương cũng thế, đừng chạy lên xin Bộ Kế hoạch và đầu tư những cái lặt vặt", Thủ tướng nói.

Về nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong năm 2023, Thủ tướng cho hay: "năm 2022 vượt thu ngân sách nhà nước 392.000 tỉ đồng, chưa bao giờ vượt thu cao thế. Giờ chúng ta sử dụng khoản này để chi tiền lương, chi vấn đề cấp bách, đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra, và phần còn lại sẽ tập trung cho đầu tư phát triển".

Theo đó, phải tập trung hoàn thiện cho xong hệ thống cao tốc của cả nước từ Cao Bằng tới Cà Mau theo hành lang Bắc - Nam, tiếp theo là các tuyến cao tốc theo hành lang Đông - Tây, Đông - Bắc, và Tây - Bắc.

Cần sử dụng nguồn lực này thực hiện cho bằng được nghị quyết của Đại hội 13 của Đảng là đến năm 2025 có 3.000 km cao tốc, đến năm 2030 phải có 5.000 km cao tốc. "Dứt khoát phải tập trung nguồn lực để làm, các đồng chí phải tham mưu để đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình", Thủ tướng yêu cầu.

Giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và đầu tư trong năm nay, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc trong huy động và phân bổ nguồn lực dứt khoát không dàn trải. Bộ phải rà soát lại, đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí, cần thì cắt bớt đi, không sao cả. "Chúng ta làm ra tấm ra món, làm những cái tiếp tục sinh ra tiền, như thế mới gọi là đầu tư phát triển."

Tôi đề nghị các địa phương đừng chạy chọt việc này, nên theo chủ trương lớn, trên cơ sở đó phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư. Đừng chạy cho em chỗ này, cho em chỗ kia, rồi thủy lợi một tí, nông nghiệp một tí, lâm nghiệp một tí, mỗi thứ mỗi tí. Tỉnh cũng không tập trung cho tỉnh mà xuống huyện. Chúng ta không có nguồn lực để làm dàn trải thế này được"

-Thủ tướng Phạm Minh Chính-

Một trong những nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công thời gian qua theo Thủ tướng là do phân bổ vốn đầu tư dàn trải, khâu chuẩn bị đầu tư không tốt.

Ghi nhận những đóng góp của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong năm 2022, Thủ tướng cho rằng bộ là cơ quan tham mưu cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, công việc nhiều, yêu cầu cao, thời gian có hạn, trong khi mong mỏi từ ngành thì rất nhiều.

Thủ tướng cho hay trong năm 2022 Bộ Kế hoạch và đầu tư đã nắm chắc tình hình trong nước và ngoài nước để tham mưu chiến lược cho Chính phủ. Dấu ấn lớn nhất xây dựng được trình phục hồi kinh tế 2022-2023. Chương trình đã chọn tham mưu 4 vấn đề trúng và đúng, đó là: Thực hiện hỗ trợ an sinh xã hội; đầu tư y tế; đầu tư hạ tầng; và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đến giờ điều này đã được khẳng định.

Thủ tướng: Đừng mất thời gian với những dự án đầu tư lặt vặt - Ảnh 1.

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và đầu tư - Ảnh: H.V

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nêu ra một số việc còn chưa được của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong năm qua, đó là trong tham mưu chiến lược có nơi, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đối với huy động và phân bổ nguồn lực phát triển, Thủ tướng cho biết hiện có 2 nguồn lực cơ bản, đó là nguồn đầu tư phát triển của Nhà nước và nguồn lực của xã hội. Bộ Kế hoạch và đầu tư cần tham mưu gỡ vướng thể chế để nguồn lực nhà nước chỉ là vốn mồi để kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đất nước.

"Ví dụ trước đây chúng ta chỉ quan tâm đầu tư PPP trong giao thông, giờ bất kể cái gì cũng hợp tác công tư được chứ không chỉ giao thông, chẳng hạn như quản lý công viên, bảo tàng, nhà khách…, đều có thể hợp tác công tư được. Nhu cầu đầu tư rất lớn, không hợp tác công tư không làm hết được.

Trước đây, tôi sống cạnh công viên Thống Nhất (Hà Nội) nhiều năm, có tới 400-500 công nhân vận hành công viên vẫn xập xệ. Giờ cứ đấu thầu để tư nhân họ làm, làm không tốt 4-5 năm chọn người khác. Sân vận động Mỹ Đình cũng vậy, cả một công trình lớn như thế mà không khai thác được. Tất nhiên phải nghiên cứu cho kỹ trước khi làm", Thủ tướng nói.