Thủ tướng: Rà soát cơ chế đặc thù phát triển Đồng bằng sông Hồng

Admin
Sáng 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng để công bố quy hoạch vùng cũng như kế hoạch điều phối và đánh giá việc triển khai các dự án trọng điểm.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ; rà soát cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng; kế hoạch điều phối vùng và đánh giá việc triển khai các dự án trọng điểm kết nối liên kết vùng, liên kết ngành trong vùng…

Thủ tướng cũng gợi ý các đại biểu đề xuất các đột phá chiến lược; xác định rõ các ưu tiên để huy động, phân bổ nguồn lực; phân tích những thách thức, các nhiệm vụ, giải pháp, các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể cần triển khai để thực hiện hiệu quả nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng .

Thủ tướng: Rà soát cơ chế đặc thù phát triển Đồng bằng sông Hồng- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trước đó, ngày 4/5, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng được xác định gồm 11 tỉnh, thành phố và được phân thành 2 tiểu vùng: Phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng.

Về phát triển mạng lưới giao thông, quy hoạch vùng cũng xác định nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể:

Đường bộ sẽ tập trung đầu tư phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp, tạo thành không gian phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các tỉnh trong vùng.

Với đường sắt, đầu tư phát triển các tuyến theo quy hoạch phát triển đường sắt quốc gia đối với các đoạn tuyến đi qua vùng. Từng bước đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối các khu kinh tế cửa khẩu với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó ưu tiên chuẩn bị và triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc.

Đồng thời nghiên cứu phát triển, thu hút đầu tư các tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng phù hợp nhu cầu từng giai đoạn: Đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long), Hạ Long - Móng Cái và hoàn thành các tuyến đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội; Nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc nhằm tăng cường năng lực vận tải công cộng khối lượng lớn, gắn kết các đô thị liền kề, tạo không gian phát triển xây dựng đô thị, các khu chức năng (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông - TOD).

Về hàng không, thực hiện nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không hiện hữu (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi). Nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện để sớm hình thành cảng hàng không quốc tế mới tại Tiên Lãng - Hải Phòng , dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; nghiên cứu vị trí phù hợp để phát triển cảng hàng không thứ 2 hỗ trợ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tại khu vực phía Đông Nam hoặc phía Nam Thủ đô Hà Nội.