Lì xì ngày Tết là một phong tục lâu đời của dân tộc ta. Người Việt quan niệm, lì xì tượng trưng cho những điều may mắn mà ta có thể trao cho nhau, cầu mong mọi sự bình yên, hạnh phúc thuận lợi trong năm mới.
Tiền lì xì là khoản "thu nhập" mà trẻ mong chờ nhất, đồng thời cũng là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ dạy trẻ nhận biết, hiểu và sử dụng tiền đúng cách. Vậy, trước những khoản tiền lì xì khác nhau, bậc phụ huynh đã có những cách xử lý khéo léo và hợp lý như thế nào?
Không dùng số tiền mừng tuổi tiêu xài mà để dành gửi tiết kiệm ngân hàng
(Ảnh: NVCC)
Có con mới hơn 1 tuổi nên Nguyễn Thảo (sinh năm 1994) là người cầm toàn bộ số tiền lì xì Tết năm nay của con. Thảo cho biết hiện tại bé nhà mình còn nhỏ nên vẫn chưa cần tiêu gì đến số tiền lì xì này cả nên muốn tiết kiệm giúp con.
"Mình không dùng số tiền được mừng tuổi để tiêu xài cho gia đình hay mua quần áo cho cháu vì sẽ thành tiền tiêu sản. Thay vào đó, mình dành để gửi tiết kiệm ngân hàng. Năm nay con được lì xì, số tiền đó rơi vào khoảng 3 triệu đồng. Mình định gửi ngân hàng toàn bộ số tiền này, vì lãi suất ngân hàng hiện tại cũng khá tốt. Mình cũng muốn giữ thói quen này kể từ năm sau để khi con đủ 18 tuổi có số vốn nhất định", Thảo chia sẻ.
Đồng ý với quan điểm của Thảo, nhiều bà mẹ trẻ chia sẻ rằng cách gửi tiết kiệm khoản tiền của lì xì của con là an toàn và đảm bảo nhất. Vừa giữ được giá trị vốn có, lại có mức độ sinh lời ổn định, không sợ thất thoát. Chỉ cần mở riêng một tài khoản ngân hàng đứng tên con, mỗi đầu năm mới lại gửi vào đó khoản tiền lì xì cũng không tốn nhiều thời gian và công sức.
Sau khi con trưởng thành, bố mẹ sẽ giao khoản tiền đó để con tùy ý sử dụng theo mục đích con cần. Như vậy vừa giữ được ý nghĩa của lì xì lại có ích cho cuộc sống sau này của con.
Cách xử dụng tiền lì xì này cũng sẽ giúp trẻ hình thành khái niệm: Không nên phung phí tiền bạc mà hãy phát triển thói quen tiết kiệm tiền. Phần tiền này có thể trở thành quỹ cho hoạt động kinh doanh trong tương lai của chính trẻ hoặc có thể trở thành quỹ khẩn cấp cho một số trường hợp nhất định. Tóm lại, phần tiết kiệm này là sự tự tin tài chính cơ bản của bạn dành cho con.
Dùng tiền mừng tuổi sắm một chiếc xe mới cho con
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: vcg)
Trong khi đó nhiều bà mẹ trẻ đã tính toán xong cách sử dụng tiền lì xì của con cho mục đích trong cuộc sống hàng ngày. Toan Nguyễn (29 tuổi) mẹ của bé Bon 7 tuổi cho biết, với số tiền mừng tuổi của con chị sẽ sắm một chiếc xe mới để Bon đi.
"Mình đang tính mua cho Bon một chiếc xe đạp Nhật bằng chính tiền lì xì của cháu. Bo là người đưa ra đề nghị này và cháu cũng rất hào hứng", Toan chia sẻ.
Bé Bon tiết lộ dịp Tết vừa qua được lì xì khoảng 4 triệu đồng. Thay vì dùng để đút lợn như mọi năm thì năm nay cậu bé đưa gợi ý cho mẹ mua xe đạp mới. Mẫu xe đạp Bo thích là xe đạp địa hình của Nhật, có giá khoảng 3,5 triệu. Số tiền còn lại, Bo vẫn gửi mẹ giữ hộ để tiêu vào những dịp cần thiết khác.
"Với chiếc xe đạp này, Bon có thể tự đi học mà không cần mẹ đưa đón. Tôi thấy cũng hữu ích và đúng với nhu cầu sử dụng của con nên khi nghe con đề nghị, tôi đồng ý ngay", Toan chia sẻ thêm.
Bằng việc sử dụng tiền lì xì của con để mua những món đồ dùng cần thiết cho cuộc sống, bà mẹ trẻ hi vọng sẽ giúp con nhận thức được sự quan trọng của đồng tiền. Từ đó biết cách chi tiêu hợp lý vào những mục đích thiết thực, thay vì tiêu hoang phí, không có kế hoạch.
Phân bổ tiền lì xì theo công thức 50 - 40 - 10
Chị Hoàng Kim Liên (40 tuổi) hiện đang là giáo viên dạy Văn cho biết, số tiền lì xì của con chị định hướng cho bé phân bổ như sau: 50% để nuôi "lợn" (tiết kiệm), 40% cho quỹ ước mơ và 10% cho chi tiêu. Hiện tại, bé nhà chị Liên đang học cấp 2.
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: The Bay State Banner)
50% dùng để nuôi "lợn" (tiết kiệm)
Chị đưa con đến ngân hàng mở một tài khoản, định kỳ đầu năm gửi vào 50% số tiền lì xì Tết, phần tiền này là cố định, hàng năm tài khoản của con được lãi và chị sẽ thông báo số tiền lãi cho con được biết. Theo chị Liên thì một khi thói quen tốt này được hình thành, đứa trẻ sẽ được hưởng lợi suốt đời từ tiền lì xì hàng năm chúng nhận được.
40% gửi vào quỹ ước mơ
Phần tiền này chủ yếu được dùng để giúp các con của chị thực hiện ước mơ của mình. Chị Liên cho con lập danh sách những ước mơ, chẳng hạn như những cuốn sách mà con luôn muốn mua và những lớp học mà con luôn muốn tham gia. Thực tế hơn, con của chị Liên có thể sử dụng số tiền này để tham gia các lớp học theo sở thích.
Thậm chí con chị Liên còn biết nhờ mẹ sử dụng số tiền này để sinh lời, kiếm tiền bằng cách nhờ mẹ mua giúp vàng... thực hiện một số khoản đầu tư đơn giản để tiền đẻ tiền.
10% còn lại để chi tiêu hàng ngày
Chị Liên đã từng đọc được một bài kiểm tra về cách tiêu tiền của trẻ em. Mỗi đứa trẻ được phát 4 đô la để cho phép chúng tùy ý sử dụng. Bài kiểm tra cho thấy, hóa ra cách trẻ em tiêu tiền không liên quan gì đến tuổi tác. Những đứa trẻ có tiền tiêu vặt thường không tiêu hết, và những đứa trẻ không có tiền tiêu vặt sẽ tiêu hết 4 đô la đó.
Có thể nhận thấy trẻ em không có tiền tiêu vặt, chúng không biết cách phân bổ số tiền trong tay một cách hợp lý và rất dễ phung phí ngay lập tức. Còn những đứa trẻ thường có tiền tiêu vặt, chúng sẽ mua sắm có kế hoạch hơn, chúng sẽ phân bổ tiền hợp lý và tiêu tiền hợp lý hơn.
Từ điều đó thì 10% số tiền lì xì sẽ được chị Liên chia theo tháng và tuần. Cứ đầu tuần chị sẽ phát tiền tiêu vặt cho con. Chị Liên không lo lắng con mình có tiêu tiền bừa bãi hay không, bởi chị nghĩ nếu hôm nay không cho phép trẻ tiêu tiền bừa bãi, ngày mai có thể mất rất nhiều tiền. Bất kỳ ai cũng phải trải qua giai đoạn tiêu tiền bừa bãi trước khi tiêu tiền hợp lý. Nhưng khi cho con tiền tiêu vặt, chị Liên vẫn cần hướng dẫn con cách tiêu tiền hợp lý, tiêu dùng hợp lý để con học dần và thích nghi theo.
(Nguồn ảnh: dvt)
Có thể thấy việc tiền lì xì hàng năm bố mẹ sẽ là người giữ hay để các con tự chi tiêu vẫn là điều gây nhiều bàn tán mỗi khi được nhắc đến. Nhưng liên quan đến vấn đề này, nhiều phụ huynh đồng tình rằng thay vì giữ tiền hộ các con thì bố mẹ nên dạy những đứa trẻ về tính kỉ luật cũng như sự nghiêm túc với đồng tiền. Tiền mừng tuổi chính là "cơ hội vàng" để dạy con trẻ về tiết kiệm và quản lý chi tiêu đúng đắn.
Giáo dục tài chính và kinh doanh liên quan đến nhân sinh quan, thế giới quan và giá trị sống. Chính vì thế, bắt đầu từ những chiếc bao lì xì nhỏ hãy để trẻ học cách hiểu về tiền, phân bổ và quản lý hợp lý thì thật tuyệt vời đúng không nào!