Sáng 20/7, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) đón nhiều giáo viên, cựu giáo viên và cựu học sinh tới để tưởng nhớ cố
Video chia sẻ của thầy cô Trường THPT Nguyễn Gia Thiều về những mất mát khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đại diện các thế hệ giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều |
Khoảng 8h sáng, cán bộ Trường THPT Nguyễn Gia Thiều thực hiện nghi thức treo cờ rủ theo nghi Lễ Quốc tang. Nhìn lá cờ rủ buộc khăn tang từ từ được kéo lên cao, chị Lê Thị Nga - giáo viên dạy bộ môn Giáo dục kinh tế pháp luật - không cầm nổi nước mắt. “Tôi cảm giác như vừa mất đi một người thân của mình. Từ khi nghe tin đến giờ, chưa khi nào tôi thấy hết xót xa… Bác là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nhân cách lớn. Trong trái tim và khối óc của bác lúc nào cũng chỉ có dân tộc Việt Nam...”, chị Nga xúc động nói.
Kết thúc nghi thức treo cờ, chúng tôi theo chân ông Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều - vào phòng truyền thống, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm, khoảnh khắc đáng nhớ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trường. “Bác Trọng đã rất nhiều lần về thăm trường với tư cách là cựu học sinh. Nhưng lần tôi ấn tượng nhất là khi bác về nhân dịp lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường vào ngày 14/11/2020. Lúc tôi ra đón bác, bác ghé tai tôi nói nhỏ rằng: “Em với thầy cùng dắt tay nhau đi nhé”. Tôi vô cùng ấn tượng và ngỡ ngàng vì vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam lại cư xử, nói chuyện giản dị và khiêm tốn như vậy, dù tôi chỉ đáng tuổi con bác thôi”, ông Kiên vừa nói, vừa chỉ tay vào các tấm ảnh chụp những khoảnh khắc cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm trường cũ.
Lúc sau, chị Nguyễn Hải Anh - giáo viên dạy bộ môn Văn của trường - mang ra một cuốn sổ màu đỏ, bìa có dòng chữ “Sổ lưu niệm truyền thống”. “Trong cuốn sổ này lưu giữ bút tích của bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, chị Hải Anh nói và chỉ vào dòng chữ vẫn còn khá rõ nét: “Nguyễn Phú Trọng, lớp 10B, ra trường 1963. Hiện là Phó Giáo sư, Phó Tiến sĩ, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Điện thoại cơ quan:...”. Theo chị Hải Anh, dòng bút tích ấy là một trong những kỷ vật quý giá nhất về cố Tổng Bí thư mà nhà trường đang lưu giữ.
Ông Lê Trung Kiên giới thiệu các tấm ảnh chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trường THPT Nguyễn Gia Thiều. |
Trong văn phòng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều còn cất giữ một tài liệu vô cùng quý giá về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Hiệu trưởng nhà trường - lấy ra một tập tài liệu đã ố vàng, có nhiều vết rách do thời gian. Đây là cuốn sổ đăng bộ của trường (số ghi về tình hình học tập của học sinh do hiệu trưởng lưu giữ) trong thời gian cố Tổng Bí thư theo học (từ năm 1957 tới năm 1963). Trong cuốn sổ ấy vẫn còn nguyên nhận xét của các giáo viên đã từng dạy cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dòng chữ dù đã mờ nhoè nhưng vẫn có thể đọc được: “Được xếp loại A2, Giỏi. Học giỏi đều các môn. Có tinh thần tranh thủ học tập, nhiệt tình trong lao động. Có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Có nhiều đóng góp xây dựng tập thể tốt...”.
“Tấm gương trong cả học tập, lao động lẫn xây dựng tập thể của cố Tổng Bí thư là động lực rất lớn để toàn thể cán bộ, nhân viên và học sinh nhà trường tiếp tục nỗ lực, cố gắng”, bà Châu nói.
Sáng 20/7, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều còn đón một vị khách đặc biệt là nhà giáo Vũ Ngọc Huỳnh - người từng giảng dạy cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ông học lớp 6. Ông Huỳnh chia sẻ, thời trước, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là học sinh ngoan, chăm chỉ và rất được bạn bè cùng lớp yêu mến. Trong lứa học trò do ông Huỳnh đào tạo có rất nhiều người đã thành đạt, nhưng người khiến ông thấy tự hào nhất vẫn là cố Tổng Bí thư. Vì vậy, ông rất đau đớn khi nghe tin một người lãnh đạo cao cấp của Đảng và cũng là người học trò xuất sắc của mình đã ra đi.