Cụ thể, theo Thông cáo báo chí của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) hôm nay (19.1), về quyết định của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP.HCM với nội dung: "Buộc công ty tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14.12.2022, Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14.12.2022, Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31.12.2022 của HĐQT cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng trọng tài".
Tập đoàn Hòa Bình khẳng định sẽ chấp hành Quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật. Theo Quyết định thi hành án chủ động số 156 nêu trên, cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết có hiệu lực của Hội đồng trọng tài, thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Về 3 Nghị quyết tạm dừng thi hành có nội dung cụ thể như sau :
+ Nghị quyết số 50 chấp thuận Đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình của ông Lê Viết Hải từ ngày 1.1.2023 cũng như xin rút khỏi tư cách Thành viên HĐQT công ty; thông qua việc thành lập Hội đồng Sáng lập tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Lê Viết Hải là Chủ tịch Hội đồng Sáng lập.
+ Nghị quyết số 51 thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT;
+ Nghị quyết số 53 hoãn thi hành hai nghị quyết trên.
Cuộc "nội chiến" vị trí Chủ tịch HĐQT giữa ông Lê Viết Hải, người sáng lập cũng như giữ vị trí này suốt gần 35 năm qua và ông Nguyễn Công Phú, người được đích thân ông Hải mời về làm việc tại tập đoàn hơn 1 năm trước vẫn đang diễn ra hết sức căng thẳng trong khoảng thời gian 1 tháng qua.
Chuyện bắt đầu từ việc ông Lê Viết Hải từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT để tạo điều kiện cho ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Hải nắm giữ ghế tổng giám đốc nhằm đáp ứng tính pháp lý theo luật Doanh nghiệp hiện hành, người nắm giữ chức vụ tổng giám đốc không được có quan hệ là người có gia đình với người quản trị doanh nghiệp. "Hòa Bình đang trống chức vụ tổng giám đốc và Hiếu cũng trong tình trạng danh không chính, ngôn không thuận. Lên tổng giám đốc cho Hiếu có điều kiện phát huy vai trò của mình hơn" - ông Lê Viết Hải giải thích sau khi từ nhiệm. Đồng thời với việc này là bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú - thành viên HĐQT độc lập làm chủ tịch HĐQT từ 1.1.2023.
Thế nhưng chưa đến ngày bàn giao chính thức, Hòa Bình công bố Nghị quyết 53 ngày 31.12.2022 được HĐQT thông qua về việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (ký 12.12.2022) chức vụ chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ 1.1.2023 cũng như hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT. Đồng thời, hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng sáng lập do ông Hải đứng đầu trước đó. Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ chủ tịch HĐQT.
Một cổ đông đã khởi kiện Tập đoàn Hòa Bình yêu cầu hủy bỏ 3 Nghị quyết 50, 51 và 53 |
Sau đó, ông Nguyễn Công Phú đã tiết lộ khá nhiều thông tin nội bộ về tài chính của Tập đoàn Hòa Bình với báo giới. Để phản công, Tập đoàn Hòa Bình tuyên bố sẽ gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của hai ông Nguyễn Công Phú và Dương Văn Hùng cùng các cá nhân đã tiếp tay, giúp sức.
Diễn biến càng leo thang khi một cá nhân là cổ đông đã gửi đơn kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) yêu cầu hủy bỏ 3 Nghị quyết 50, 51 và 53. Và mới nhất như nói trên, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Tp.HCM đã ra Quyết định buộc Hòa Bình tạm dừng thi hành 3 Nghị quyết này.
Tin liên quan
Vừa cất nóc dự án lớn tại Thủ Thiêm, Tập đoàn Hòa Bình thắng kiện 368 tỉ Nóng: Ông Lê Viết Hải triệu tập ĐHĐCĐ bất thường bãi nhiệm một số thành viên HĐQT VIAC có đủ thẩm quyền xử lý đơn khởi kiện Tập đoàn Hòa Bình hay không? Nóng: Vừa tuyên bố khởi kiện, Tập đoàn Hòa Bình đã bị... kiện