Đó là trường hợp chị H.T.H. (30 tuổi, ngụ tỉnh Đăk Nông đang sinh sống tại Campuchia) vừa nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện JW tại TPHCM tối 28/2. TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc bệnh viện cho biết, thời điểm nhập viện, cơ thể bệnh nhân nhiễm trùng nặng, vùng bụng chằng chịt 15 lỗ thủng khoét to và sâu.
15 ổ nhiễm trùng hoại tử, trào mủ trên vùng bụng bệnh nhân sau tiêm thuốc tan mỡ |
Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ được nữ bệnh nhân cho biết do mong muốn có cơ thể đẹp nên tự tìm hiểu trên mạng xã hội rồi chi 70 triệu đồng mua thuốc tan mỡ về tiêm. Nhưng 2 tháng sau tiêm chất tan mỡ, trên bụng nổi 2 cục áp xe và ngày càng lớn gây đau nhức. Bệnh nhân đã đến bệnh viện ở Campuchia nhờ họ xử lý nhưng tình trạng bệnh không khỏi mà ngày càng nặng hơn. Các khối áp xe mọc chằng chịt và lan nhanh nhiều vùng trên cơ thể.
Trước tình trạng hoại tử toàn bộ vùng bụng lan tỏa sang vùng lưng và hông, các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh. Hơn 3 giờ khẩn trương trong phòng phẫu thuật, các bác sĩ đã bơm rửa khử trùng, tống ra ngoài hơn 500ml dịch mủ, tế bào chết và các tạp chất chưa rõ nguồn gốc.
Ổ nhiễm trùng lớn khiến bệnh nhân đau đớn, sau 2 tháng chịu đựng, chị đã được phẫu thuật |
“Tình trạng hoại tử ở bệnh nhân rất nghiêm trọng, các mô hoại tử ăn sâu và di căn ra những vị trí khác trên cơ thể. Cơ thể nữ bệnh nhân hình thành hàng chục ổ áp xe lớn với đường kính từ 3cm đến 6cm, nằm rải rác từ bụng đến hông rồi lan ra lưng. Từ trước tới giờ tôi chưa từng thấy ca nào như thế này” – TS.BS Tú Dung nói.
Các bác sĩ đã tiến hành tháo mủ, xử lý tình trạng nhiễm trùng giúp bệnh nhân qua nguy kịch |
Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, thị trường có rất nhiều quảng cáo về tác dụng thần kỳ của thuốc tiêm tan mỡ. Tuy nhiên, bất cứ loại thuốc nào tiêm vào cơ thể đều phải tìm hiểu kỹ về loại thuốc đó có được Bộ Y Tế cấp phép hay chưa, có an toàn hay không và tuyệt đối không nên tự tiêm hoặc đưa người không phải là bác sĩ, không có chuyên môn ngành y thực hiện.