Vinaconex muốn huy động gần 1.200 tỷ đồng để trả nợ

Admin
Toàn bộ số tiền thu được Vinaconex sẽ sử dụng thanh toán các khoản nợ, bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, nhà cung cấp đến hạn trả.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với nhiều kế hoạch đáng chú ý.

Năm 2024, Vinaconex đặt mục tiêu 15.000 tỷ đồng doanh thu và đem về 1.500 tỷ đồng lãi sau thuế hợp nhất, tăng lần lượt 15% và 140% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, tổng doanh thu và thu nhập công ty mẹ là 10.500 tỷ và lãi sau thuế 860 tỷ đồng, tăng 20% và 291% so với cùng kỳ.

Mức trả cổ tức cho năm 2024 là 10%. Dù vậy công ty không công bố chi tiết là bằng cổ phiếu hay/và tiền mặt.

Nội dung quan trọng khác công ty sẽ trình cổ đông tại Đại hội là phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, Vinaconex dự kiến chào bán tối đa 119,7 triệu cổ phiếu, tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành. Đáng chú ý, công ty chào bán với giá 10.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 57% thị giá cổ phiếu VCG ở thời điểm hiện tại (24.600 đồng/cổ phiếu).

Tỉ lệ thực hiện quyền là 5:1, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu sau khi chào bán sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024 - 2025 sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Nếu thành công, Vinaconex dự kiến huy động 1.197 tỷ đồng sau đợt chào bán. Toàn bộ số tiền thu được để sử dụng thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, nhà cung cấp đến hạn trả trong năm 2024 và năm 2025. 

Tại thời điểm 31/12/2023, nợ phải trả của Vinaconex ở mức 20.453 tỷ đồng. Trong đó tổng dư nợ vay là 11.098 tỷ đồng, nợ dài hạn giảm từ 9.305 tỷ đồng xuống 6.031 tỷ đồng. Hiện Vinaconex vay chủ yếu từ ngân hàng và 1.599 tỷ đồng dư nợ trái phiếu đến hạn trả, lô trái phiếu này dự kiến đáo hạn vào tháng 6/2024.

Về kết quả kinh doanh năm 2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu 12.709 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp tại các dự án tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế công ty chỉ 336 tỷ đồng, giảm 64% so với con số 930 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ. Đây cũng là năm Vinaconex có lợi nhuận sau thuế thấp nhất kể từ khi niêm yết trên HoSE vào cuối năm 2020.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Vinaconex đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 12%. Với 534 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Vinaconex sẽ phát hành hơn 64 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi chia cổ tức.

Nếu thành công, sau hai đợt phát hành trên vốn điều lệ của Vinaconex sẽ tăng từ 5.345 tỷ đồng lên 7.183 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 1.838 tỷ đồng.