‘Vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn: 'Năm nào tôi cũng phải là người xông đất'

Admin
Đêm giao thừa ngắm pháo hoa, duy trì phong tục lì xì lấy may đầu năm mới, thích ăn bánh chưng nhưng riêng xông đất đầu năm thì tỉ phú hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn lại có nguyên tắc của riêng mình. Nhà ông hợp tuổi ông nên ông phải là người xông đất. 

‘Vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn: 'Năm nào tôi cũng phải là người xông đất'  - ảnh 1

Tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn

NVCC

Được mệnh danh là “vua hàng hiệu”, “vua cargo hàng không” với nhiều năm sinh sống và học tập tại nước ngoài, nhưng tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn giữ nguyên mọi phong tục truyền thống, đón tết cổ truyền “như bao người bình thường khác”.

Tết vui hay không phụ thuộc vào… công việc

Hai tuần trước Tết Nguyên đán 2023, tôi hẹn ông Johnathan Hạnh Nguyễn tại văn phòng của ông để thoả mãn nỗi tò mò “tỉ phú thì sẽ ăn tết hoành tráng thế nào?”.

Mặc dù IPPG - Tập đoàn Liên Thái Bình Dương do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT đã trang trí tiểu cảnh rất đẹp trước khách sạn Rex (Q.1) từ cách đó khoảng 10 ngày nhưng văn phòng của ông thì vẫn chưa có dấu hiệu gì của tết. Không hoa, không đèn, chưa mai, chưa quất… Có vẻ như IPPG gần như vẫn chưa nhớ ra rằng tết đã tới sát nút rồi.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 TP sẽ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á - nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. Tốt quá rồi” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn chào mở đầu câu chuyện bằng thông tin mà theo ông là "vui nhất trong năm qua".

‘Vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn: 'Năm nào tôi cũng phải là người xông đất'  - ảnh 2

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn quây quần cùng gia đình ngày tết

nvcc

Hơn 1 thập kỷ miệt mài theo đuổi “giấc mơ” trung tâm tài chính, vua hàng hiệu bảo Nghị quyết 31 đến đúng dịp cuối năm giúp ông hào hứng đón tết hơn hẳn. “Công việc tốt thì ăn tết ngon, tết vui, tết to. Năm nay vừa hết dịch bệnh, lại vừa có tin vui lớn thế này chắc chắn tết sẽ rất phấn khởi”.

Tết tỉ phú hàng hiệu vẫn bị chi phối bởi công việc. Thay vì hối nhân viên, gia đình sắm đồ trang trí, văn phòng, nhà cửa lộng lẫy đón tết, trong đầu ông chỉ tràn ngập những kế hoạch, tính toán xem TP.HCM phải làm những gì để đạt mục tiêu đó, cần chủ trương thế nào, chính sách ra sao, chủ động sắp xếp kết nối lại với các “đại bàng chúa” của nước ngoài để họ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ Việt Nam hình thành những trung tâm tài chính lớn mạnh…

“Chương trình làm việc của tôi từ nay đến tết khiếp lắm. Bay tới bay lui, gặp các đối tác liên tục không ngơi nghỉ. Mọi công việc từ bắc chí nam phải được chuẩn bị sẵn sàng từ trước tết để ra tết có thể bắt tay vào làm ngay, làm liền, không được có độ trễ.” - ông nói.

Chạy dọc sông Sài Gòn xem bắn pháo hoa

Theo kế hoạch, mọi công việc của “vua hàng hiệu” cùng Tập đoàn IPPG sẽ chính thức tạm nghỉ từ 29 tháng chạp âm lịch. Tiệc tất niên của gia đình sẽ được tổ chức ngày 30 tết. Năm nào cũng vậy, cả đại gia đình ông sẽ quây quần vào ngày cuối cùng của năm, điểm lại những gì nổi bật của năm cũ và chào đón năm mới. Thời điểm giao thừa, cả nhà tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ lên du thuyền chạy dọc sông Sài Gòn để xem bắn pháo hoa.

“Lúc quay về khoảng 00 giờ 30. Phong tục xưa giờ là tất cả người trong nhà không được mở cửa. Tôi phải là người đầu tiên vào nhà" "Thường mọi người chọn người xông đất sẽ tính tuổi hợp theo từng năm, ông không quan niệm như vậy?”. “Không, nhà tôi năm nào cũng là tôi xông đất. Tôi là chủ nhà và đất ở nhà hợp với tuổi tôi” - ông Hạnh Nguyễn nói, rồi kể tiếp: Vào nhà xong, cả gia đình sẽ dùng tiệc nhẹ đón giao thừa, sau đó đi ngủ để đón ngày mùng 1 gia đình quần tụ.

‘Vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn: 'Năm nào tôi cũng phải là người xông đất'  - ảnh 3

Gia đình ông Hạnh Nguyễn vẫn duy trì phong tục lì xì lấy may đầu năm mới

nvcc

“Trước đây, bao lì xì chỉ chuẩn bị cho 8 đứa con thôi, giờ thì con cháu đầy đàn rồi. Tính tất cả dâu con cháu chắt, bà con họ hàng, xấp lì xì lên 2 - 3 chục rồi. Đông đủ rồi thì chúc tết. Chúc tết vui lắm. Mọi người mặc đẹp, khoanh tay chúc tết theo đúng phong tục xưa. Lì xì thì theo mô hình kim tự tháp, thằng nhỏ chúc trước, nhận lì xì của tất cả mọi người. Dần dần lên đến trên, cuối cùng là tôi không được nhận lì xì” - vị tỉ phú vừa kể vừa cười, trong mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Khi nói về gia đình, gương mặt ông nhìn sảng khoái hơn rất nhiều, không còn những lo lắng, muộn phiền của công việc.

Vẫn giữ nguyên những phong tục ngày tết, ông Hạnh bảo nhà ông không năm nào thiếu bánh chưng, bánh tét, tôm khô, củ kiệu. “Tôi thích bánh chưng vì nhiều nhân hơn, trải đều, có thịt mỡ... Bánh chưng ăn với tôm khô, củ kiệu - thử đi, ôi trời sướng lắm” - ông “xúi” chúng tôi.

Mùng 1 toàn bộ cho gia đình; mùng 2- 3, ông dành để chúc tết và tiếp khách ở nhà. Mùng 4, vị tỉ phú này sẽ bay ra Nha Trang thắp hương cho ba mẹ và chúc tết họ hàng ở quê. “Thường thì mùng 5 - mùng 6 sẽ ở nhà tiếp khách hoặc họ hàng từ xa tới nhưng năm nay mùng 6 tôi sẽ bay sang Singapore để công tác và cũng để chúc mừng năm mới họ” - ông nói.

* Mỗi mùa tết tới lại "nổ" ra cuộc tranh luận giữa việc nên giữ hay bỏ Tết Nguyên đán. Một số ý kiến cho rằng thời gian nghỉ tết kéo dài gây đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh tế; tốn kém tiền của cho lễ hội, ảnh hưởng tới kinh tế đất nước. Ông thấy sao về quan điểm này?

- Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Tết Nguyên đán, người lao động có thời gian dài hơn về đoàn tụ với gia đình mà vẫn được nhận lương, nhận thưởng. Nhưng thực tế, đi lại đôi khi mất tới 2 ngày đường, thời gian thực nghỉ chỉ khoảng 4 ngày nên nghỉ tết 6 - 7 ngày chưa phải là dài. Cả năm có 365 ngày, đâu thể chỉ vì vài ngày nghỉ tết mà sản xuất có thể đình trệ mấy trăm ngày còn lại. Dù đất nước phát triển đến đâu thì có những tập tục, tập quán tốt đẹp vẫn phải giữ. Bỏ tết ta là bỏ đi cả 1 nét đẹp văn hóa của người Việt.

Tin liên quan

Cổ phiếu tăng mạnh, nhiều tỉ phú USD Việt Nam bỏ túi hơn nửa tỉ đô Chuyện chưa kể về bầu Đức Đón đọc Ấn phẩm mừng ngày Doanh nhân Việt Nam của báo Thanh Niên