Warren Buffett: Có là CEO giỏi nhất nước Mỹ cũng ‘không bằng một góc’ của người phụ nữ này

Admin
Nhà đầu tư, tỷ phú Warren Buffett từng khẳng định người phụ nữ này là thiên tài kinh doanh với tài năng ‘ăn đứt’ nhiều anh tài hàng đầu nước Mỹ.

Người phụ nữ được Warren Buffett kính nể

Warren Buffett, ông chủ của tập đoàn Berkshire Hathaway đã mua lại 90% công ty nội thất Nebraska Furniture Mart với giá 55 triệu USD vào năm 1983. Ngày đó, vị tỷ phú đã hết lời ca ngợi bà chủ Rose Blumkin của Nebraska Furniture Mart. Người phụ nữ tài năng này thường được gọi là "Mrs B".

Để Mrs B cạnh tranh với những sinh viên tốt nghiệp hàng đầu các trường kinh doanh top 1, hoặc giám đốc điều hành của các công ty thuộc danh sách Fortune 500, thì bà vẫn sẽ là người chiến thắng (cùng điểm xuất phát và cùng nguồn lực), theo lời của Buffett trên báo New York Times năm 1984.

Một lần khác, vị tỷ phú cũng khẳng định với đài NBC rằng không có một ai tài năng như Mrs B cả. Thậm chí, ông từng nói "Tôi thà đánh nhau với một con gấu xám lớn còn hơn là phải cạnh tranh với Mrs B và con cháu của bà".

 Warren Buffett: Có là CEO giỏi nhất nước Mỹ cũng ‘không bằng một góc’ của người phụ nữ này  - Ảnh 1.

Warren Buffett và Mrs B

Nebraska Furniture Mart

Rose Blumkin thành lập công ty Nebraska Furniture Mart năm 1937. Bà đã cùng con cháu của mình gây dựng và tạo nên thương hiệu bán lẻ nội thất lớn nhất nước Mỹ.

Theo nội dung của cuốn sách "The Deals of Warren Buffett Volume 2", hiện nay công ty nội thất này có doanh thu lên tới 1,6 tỉ USD và lợi nhuận sau thuế là hơn 80 triệu USD mỗi năm.

Xuất phát điểm khiêm tốn

Rose Blumkin - Mrs B sinh năm 1893 trong một gia đình khó khăn tại ngôi làng nhỏ gần thủ đô Minsk của Belarus. Từ năm 6 tuổi bà đã bắt đầu làm việc trong cửa hàng tạp hóa của mẹ mình. Đến năm 16 tuổi, bà đã quản lí 6 người, tất cả đều là nam giới.

Năm 20 tuổi Mrs B lập gia đình. Một thời gian sau chồng bà đã chạy sang Mỹ để tránh đi nghĩa vụ quân sự. Năm 23 tuổi, không học vấn, không biết tiếng Anh, thậm chí không một xu dính túi nhưng người phụ nữ bản lĩnh này vẫn “khăn gói” tìm đường sang Mỹ để đoàn tụ với chồng.

Bà đi xuyên qua vùng hoang mạc Siberia trên tuyến tàu hỏa Trans-Siberian mà không có vé hay hộ chiếu. Chưa hết, để có thể vượt qua biên giới Nga - Trung, Mrs B đã thuyết phục một người bảo vệ bằng cách hứa hẹn sẽ trả công cho anh bằng một trai rượu mạnh khi bà trở về.

Ngay sau khi đến bang Iowa của Mỹ, Mrs B và chồng chuyển đến thành phố Omaha, bang Nebraska – quê hương của tỷ phú Warren Buffett. Tại đây, bà bán quần áo cũ để kiếm sống. Đồng thời bà đã dành dụm tiền để chuyển về quê giúp cha mẹ và năm anh chị em của mình có thể di cư sang đất nước này.

Hành trình khởi nghiệp ‘muộn màng’ nhưng ‘chín’

Năm 1937 khi bước sang tuổi 43 và có 4 người con, Mrs B đã thành lập Nebraska Furniture Mart với số tiền vẻn vẹn 500 USD. Toàn bộ số hàng trong kho lúc này trị giá khoảng 2.000 USD. Từng có thời điểm bà phải bán rẻ hết đồ đạc, thiết bị trong nhà, kể cả tủ lạnh để thanh toán cho chủ nợ.

Ngay từ ban đầu, phương châm kinh doanh của Rose Blumkin là “bán rẻ hết sức có thể”. Đây chính là chiến lược cạnh tranh và hạ gục đối thủ của bà. Tuy nhiên bà bán rẻ tới mức phá giá, khiến nhiều đối thủ tổ chức các cuộc tẩy chay và kiện bà ra tòa do vi phạm luật thương mại công bằng.

Trong một phiên tòa, bà đã giải thích rằng mình kiếm lợi nhuận bằng cách bán mọi thứ với giá nhỉnh hơn 10% so với giá vốn. Không những tuyên bà vô tội mà vị thẩm phán còn tới cửa hàng của bà vào ngày hôm sau để mua tấm thảm trị giá 1.400 USD.

 Warren Buffett: Có là CEO giỏi nhất nước Mỹ cũng ‘không bằng một góc’ của người phụ nữ này  - Ảnh 2.

Nebraska Furniture Mart

Được huyền thoại Warren Buffett để ý

Warren Buffett đã để mắt đến Nebraska Furniture từ rất lâu trước khi quyết định mua lại công ty này, ít nhất là từ một năm trước. Ông đã ca ngợi Nebraska Furniture là "một công ty có tình hình kinh doanh thực sự rất tốt".

Tuy nhiên, trong nhiều năm, Mrs B không hề đồng ý bán công ty của mình. Nhưng khi bước sang tuổi 89 vào năm 1983, bà lại tỏ ra hứng thú với thương vụ này. Thật ra, Mrs B không muốn sau khi mình qua đời, các con sẽ tranh giành tài sản một cách “căng thẳng” cũng như phải trả thuế thừa kế cao chót vót. Vì vậy bà quyết định bán công ty để lấy tiền mặt và chia phần cho mọi thành viên trong gia đình.

Để thương vụ trót lọt, Warren Buffett từng tiếp cận Louie - con trai của Mrs B. Vị tỷ phú đảm bảo với Louie rằng gia đình nhà Blumkin vẫn có thẩm quyền điều hành công ty và tập đoàn Berkshire Hathaway sẽ chỉ nắm vai trò chủ sở hữu mới mà thôi.

Khi Warren Buffett đề xuất thương vụ này với Mrs B, ông không hề kiểm tra hàng tồn kho hay tình trạng bất động sản của công ty. Thậm chí ông cũng không tiến hành kiểm toán sổ sách hay thực hiện bất kì biện pháp thẩm định nào. Thỏa thuận mua bán được chốt chỉ với một cái bắt tay, một nụ cười và một bản hợp đồng dài 1/4 trang giấy. Thật khó tin.

103 tuổi vẫn là đối thủ đáng gờm trên thị trường

Sau khi công ty nội thất Nebraska Furniture được tỷ phú Warren Buffett mua lại, Mrs B vẫn làm chủ tịch. Công ty tiếp tục bán thảm cùng nhiều đồ nội thất khác.

Trong thư gửi cổ đông của Berkshire Hathaway năm 1987, Warren Buffett từng viết: "Mrs B bỏ xa nhiều đối thủ cùng ngành”. Ông cũng nói thêm: "Tôi thấy bà ấy kinh doanh càng ngày càng giỏi và rất có thể sẽ phát huy hết tiềm năng của mình trong 5-10 năm nữa. Vì vậy, tôi đã thuyết phục hội đồng quản trị của Berkshire xóa bỏ qui định người lao động phải nghỉ hưu năm 100 tuổi. Tôi nghĩ đã đến lúc bỏ nó”.

Đến năm 1989, khi sang tuổi 95, Mrs B đã quyết định về hưu vì xảy ra bất đồng với các cháu của mình. Nhưng thiên tài kinh doanh vẫn rất nhiệt huyết với nghề. Chỉ ba tháng sau khi nghỉ hưu, bà đã thành lập một công ty bán lẻ có tên “Mrs B's Clearance and Factory Outlet” có vị trí nằm ngay đối diện của Nebraska Furniture Mart.

 Warren Buffett: Có là CEO giỏi nhất nước Mỹ cũng ‘không bằng một góc’ của người phụ nữ này  - Ảnh 3.

Và chỉ trong ba năm, công ty mới của Mrs B đã trở thành thương hiệu bán thảm lớn thứ ba thành phố Omaha và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Nebraska Furniture. Đây chính là một minh chứng khẳng định tài năng kinh doanh có chiến lược xuất chúng của người phụ nữ đã bước sang tuổi 95. Khi thấy tiềm năng quá lớn, Warren Buffett cũng đã quyết định mua lại công ty này và gộp chung với Nebraska Furniture.

Sau thương vụ, tỷ phú Warren Buffett nói đùa rằng ông sẽ chỉ cho Mrs B nghỉ hưu sau khi bà kí cam kết không xây dựng một đế chế cạnh tranh nào khác nữa.

Sự cống hiến của Mrs B kéo dài tới năm 103 tuổi. Một năm sau, năm 1998, bà qua đời. Hành trình nở muộn nhưng rực rỡ của thiên tài kinh doanh đã kết thúc với 60 năm cống hiến.

Tham khảo: BI