Hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay với DN
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, điều đầu tiên DN muốn kiến nghị là sự "đột phá", mong muốn sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với tinh thần đột phá. Theo ông Hòa, ý nghĩa, tiêu đề của Nghị quyết 01 phải được thực hiện một cách quyết liệt, ví dụ, trong hệ thống văn bản có "độ vênh" thì các bộ ngành, chính quyền địa phương có thể ra văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp (DN) vận dụng, cách nào có lợi nhất cho DN để tạo cú hích giúp DN tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn để phát triển.
Cũng theo Chủ tịch HUBA, khó khăn của các DN hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn và phải chịu lãi suất cao. Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì DN sẽ rất khó để hoạt động và phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay đối với DN.
Ông Hòa chia sẻ: Ngân hàng (NH) cũng là DN, cũng cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi NH, cổ đông... nhưng nên có sự đồng hành chia sẻ với cộng đồng DN. Hiện nay, DN đang sử dụng BĐS làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá BĐS giảm, tỉ lệ giải ngân trên giá trị BĐS giảm thì nguồn vốn giải ngân cho DN rất thấp. Một số DN đã ký hợp đồng vay nhưng cả 2 giá trị bị kéo xuống, tỉ lệ giải ngân cũng bị kéo xuống, buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp, tạo thêm áp lực cho DN.
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, không chỉ ngành BĐS mà nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chúng ta đang kỳ vọng vào sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Khi phân tích kỹ, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thì chúng ta phải "dọn dẹp nhà cho sạch sẽ", các khu công nghiệp của chúng ta phải đạt chuẩn sinh thái, đạt chuẩn xanh – bền vững để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững.
Cần có các giải pháp đột phá
Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng với khu vực FDI, làm sao để lãi suất ổn định.
Hệ thống khuyến khích cho DN nội địa phát triển phải thay đổi, làm sao đạt hiệu quả của quản lý nhà nước. Cấu trúc lại, cải cách hệ thống tài chính để ổn định an toàn… Đồng thời, cần tập trung cao độ tái cấu trúc hệ thống thị trường, gắn với thị trường trái phiếu DN; điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu DN phù hợp để thị trường này phát triển tốt hơn.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, cách tiếp cận đối với nguồn lực công hiện nay cũng đang có sự thay đổi. Chưa bao giờ thấy Chính phủ ráo riết đẩy mạnh đầu tư công như hiện nay. Cách làm của Chính phủ sẽ giúp có lượng vốn cho DN qua kênh đầu tư công. Đi cùng với đó, cần rà soát lại cơ chế giải ngân, giảm các thủ tục quá phức tạp; cần rà soát quy chế cách làm…
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rất rõ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ phải chắc chắn và linh hoạt. Điều đó bảo đảm đối phó với áp lực lạm phát đang gia tăng. Do đó, các biện pháp hỗ trợ DN giãn, hoãn, giảm… cần được tiếp tục. Nguồn vốn NH phải tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc, khôi phục thị trường BĐS là 1 trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thu hút dòng tiền trở lại thị trường BĐS. Trước hết phải giải quyết các vấn đề về thể chế và pháp lý, thủ tục hành chính.
Cần hệ thống lại các chính sách để trên cơ sở đó dẫn dắt cho việc tái cấu trúc thị trường vốn cho BĐS và khơi thông nguồn vốn vào thị trường này; đa dạng các nguồn vốn của các ngân hàng từ trái phiếu, cổ phiếu, các quỹ đầu tư… thay cho nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Lê Anh