Đầu năm mới, lời chúc ý nghĩa nhất là chúc hạnh phúc, vì ai cũng mong, ai cũng cần được hạnh phúc cả. Hạnh phúc trong cuộc sống đơn giản là được sống chậm rãi, ôn tồn theo nhịp, theo sức hấp thụ, hay tốt hơn sống theo đà để thưởng thức cuộc sống.
Loại áp lực - sống hạnh phúc
Tuy vậy, trong cuộc sống, nhiều người thường không cảm thấy hạnh phúc vì gặp quá nhiều áp lực. Nhưng tựu trung có 2 loại áp lực chính. Đó là áp lực bên ngoài cuộc sống, từ các mối quan hệ tạm cho là áp lực "vớ vẩn", phù phiếm, chúng ta hãy loại bỏ nó.
Còn áp lực chính đáng hay áp lực tốt, chính là những áp lực từ những công việc đòi hỏi chúng ta phải tập trung nội lực, trí tuệ thì đó là tin vui, là loại áp lực xứng đáng xông vào. Vì chúng ta càng chịu những áp lực đó càng nhiều thì chúng ta sẽ càng giỏi.
GS Phan Văn Trường luôn sống lạc quan, vui vẻ
Nhìn lại một năm, ta nhìn ra sân, ngắm trời đất, thở không khí, mở nước uống và ngẫm về những gì ta gặt hái được sau những ngày tháng "làm việc như trâu", "chạy như ngựa",… để rồi cũng chẳng thực sự có gì đáng kể, cho dù có nhà xe và nhiều tiền chăng nữa. Và mới khám phá ra sự thật phũ phàng, là người không chạy, không vội, không tranh thủ cũng có, cũng được như những người sống hớt hơ hớt hải. Thậm chí, trong xã hội có nhiều người, rất nhiều người, hạnh phúc mà không cần phải chạy, đua, tranh thủ.
- À ra thế! hạnh phúc là sống chậm rãi ôn tồn theo nhịp tim, theo sức hấp thụ hay tốt hơn, theo đà thưởng thức.
Vậy các bạn cứ đủng đỉnh mà sống. Nhưng làm thế nào để sống chậm mà vẫn làm giàu, vẫn lên chức? Hãy nhìn, quan sát cách sống của bạn bè xung quanh.
Chúng ta hãy cứ ngắm thật kỹ những con người tại các quốc gia giàu có. Họ làm gì cũng cặn kẽ, đến nơi đến chốn, với tâm lực và nhiệt tình, với tình đồng loại và tinh thần chia sẻ. Như người Thụy Sĩ, ngay trong lúc này, họ không kịp sản xuất số lượng đồng hồ mà khách hàng khắp năm châu muốn mua, cho dù giá đắt bao nhiêu. Người Mã Lai (Malaysia) họ cũng đủng đỉnh như con rùa nhưng làm đến đâu tốt đến đó, và họ còn hỏi thêm đối tác: "Bạn hãy giúp ý kiến để lần sau tôi làm tốt hơn".
Vậy bạn hãy luôn luôn làm hết sức tốt, chẳng cần vội vàng, hãy ân cần với người cùng thực hiện, đồng hành, người đi cùng đi trên một lộ trình với mình.
Làm việc phải tạo giá trị
Quan trọng hơn, khi làm là phải có tư duy, tạo giá trị chứ không đơn thuần làm vì phải làm. Và một khi làm để tạo giá trị thì không bao giờ làm cho xong. Trong khi làm, lúc nào cũng cảm nhận được rằng mình đang làm một việc thú vị, mình sản xuất ra những thứ cho dân tộc mình yêu, cho xã hội mình yêu, cho gia đình mình yêu.
Cuộc đời thú vị ngay ở chỗ này đó. Vậy hãy chấm dứt tư duy làm cho xong, vì đó là phục vụ cho cái mình ghét. Bộ máy sẽ không tìm ra động lực để tiếp tục, năng lượng để đồng hành, lý do để sống có ý nghĩa...
GS Phan Văn Trường là nhà thương thuyết tài ba
Nói rộng hơn, chúng ta hãy lùi một bước để ngắm thế giới ngày nay. Tại mọi nơi, có những người nông dân, thợ thuyền, lao động, có những guồng máy sản xuất, bán buôn, giống nhau lắm khắp năm châu. Vậy thử hỏi chính bạn, tại sao có nơi thì vui không khí nhẹ nhàng nhưng có nơi lại chứa đầy tranh chấp và bức xúc? Đó là vì hạnh phúc nó không tìm ra trong cái gọi là số lượng. Vì vậy, hãy làm cho thật tốt, làm cho thật đẹp, như thế mới làm cho thật vui.
Như tôi đã nói nhiều lần và nhấn mạnh trong sách "Công dân toàn cầu, Công dân Vũ trụ", cái gọi là "toàn cầu hóa" đã chết. Toàn cầu hóa có thể hiểu là nước mạnh khéo léo thuyết phục các nước yếu để họ khai thác. Người ta chế cái đó (toàn cầu hóa - PV) ra để "ăn gian" lẫn nhau mà khi "ăn gian" nhiều quá thì tự nó sẽ chết.
Từ đây, thế giới sẽ có những cường quốc mới, sẽ cần nhiều năm để hiện lên. Đó là những quốc gia có nhiều biển, nhiều rừng, nhiều sông, nhiều khoáng sản. Đó là những nước với dân tộc đa dạng, hiền hoà. Những nơi mà người ta biết làm ruộng, trồng cây, bắt cá…
Nhưng cũng tại những nơi đó, rất cần xây dựng lại con người, để tình yêu nhân loại trở về, tình thương gia đình ấm áp trở lại. Tại những nơi đó, tinh thần chất lượng sẽ đem về lại một cuộc sống lý thú.
Trong cuộc sống, công việc, trong quản trị, chúng ta hãy xây dựng lại sự bình đẳng, tôn vinh sự hồn nhiên, cầu thị sự thẳng thắn và sẽ luôn luôn mang nụ cười tự tại và tích cực.
Hãy lạc quan, chuyện tốt đẹp sẽ tới. Và vì nó sẽ tới, ta cứ hạnh phúc, ôn tồn mà sống. Đừng nhanh quá nhịp tim, đừng vội với tình yêu thương, đừng nhanh nhẩu chiếm đoạt mà hãy chia sẻ một cách từ bi, chậm rãi. Vì không ai có thể hạnh phúc, nếu tập thể không hạnh phúc. Đơn giản có thế, giàu nghèo bất chấp nhưng phải có nhau thì mới toàn vẹn.
GS Phan Văn Trường, người từng là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990, đã 2 lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ (Đài ghi công, năm 1990 và Bắc đẩu Bội tinh năm 2006). Tại Việt Nam, ông được Chủ tịch nước tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục vào năm 2010.
Giáo sư nổi tiếng là nhà thương thuyết, từng điều hành quản trị một số tập đoàn lớn trên thế giới với hợp đồng giá trị tới 60 tỉ USD. Ông còn là tác giả của nhiều quyển sách giá trị, tái bản nhiều lần như: Yêu đất nước, mong muốn chia sẻ, cống hiến dù tuổi đã ngoài 77.
Ông là giáo sư giảng dạy tại Trường đại học Paris 1 - Pathéon Sorbonne, Đại học Kiến trúc TP HCM, Đại học Quốc gia TP HCM.
Giáo sư đã khởi xướng hệ sinh thái Cấy Nền từ giữa năm 2019. Đến nay hệ sinh thái này đã kết nối và tương hỗ lẫn nhau trên nhiều kía cạnh. Triết lý sống của Giáo sư dựa trên 4 giá trị cốt lõi: "Bình đẳng- Hồn nhiên- Thẳng thắn- Tích cực".
Trong cuộc sống con người cần tuyệt đối chân thành, tuyệt đối bình đẳng, tuyệt đối tích cực xây dựng để hướng tới việc các thành viên có thể gắn bó với nhau, quý mến nhau và luôn luôn sẵn lòng hỗ trợ nhau.