Đường đến với nông nghiệp “một cây, một con” của bầu Đức

Admin
Sau nhiều lần liên tục chuyển hướng, bầu Đức đã quyết tâm đổi dài lấy ngắn, chọn “một cây, một con”, chọn nông nghiệp cho hành trình sắp tới.

Trong một lần xuất hiện trước báo giới gần đây, bầu Đức đã vui mừng thông báo đến nay HAGL chỉ còn nợ hơn 8.000 tỷ đồng. Đúng là vui mừng, bởi nếu so với con số 36.000 tỷ đồng mà đại gia này từng gánh nợ trước đó. Và sự tươi sáng đó lại khiến không ít người bất ngờ thậm chí nghĩ là một câu chuyện đùa khi xuất phát từ con heo, cây chuối. Bầu Đức làm nông nghiệp! 

Thực ra, với bầu Đức, làm nông nghiệp vốn không có gì là lạ, không chỉ bởi xuất thân nhà nông của ông mà còn bởi vị đại gia phố núi này cón có nhiều năm “lăn lộn” với cây cao su trên đất đỏ bazan. Và rồi như một nhân duyên, sau nhiều năm bôn ba thành công rồi thất bại ở nhiều lĩnh vực khác, nông nghiệp lại chính là cánh tay để kéo bầu Đức khỏi vực sâu.

Vực dậy nhờ heo ăn chuối BAPI

Ở tuổi 60, tìm về với nông nghiệp, vị đại gia vốn tốn không ít giấy mực của báo chí nói “lúc phát hiện ra con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được”. Bầu Đức mất ngủ vì tìm ra hướng đi mới cho việc phát triển của mình, còn cổ đông, đối tác của ông thì mất ngủ vì tiếp tục một hành trình mới với những chiến lược mới.

Mất ngủ vì tìm ra lời giải cho sự thay đổi, định hướng tập trung vào những sản phẩm ngắn ngày mà vốn dĩ bầu Đức dành nhiều thời gian trăn trở. Trong lần “khởi nghiệp” này, bầu Đức đã lựa chọn cây chuối với thời gian thu hoạch là 9 tháng và con heo từ 6-8 tháng xuất chuồng. Chủ tịch của HAGL cho biết trồng chuối xuất khẩu, phụ phẩm chuối loại ra nhiều, nếu kết hợp heo ăn chuối sẽ giải quyết được cả 2 việc cho mảng trồng chuối và mảng chăn nuôi của tập đoàn.

Hồ sơ doanh nghiệp - Đường đến với nông nghiệp “một cây, một con” của bầu Đức

Chủ tịch HAGL chia sẻ, phụ phẩm từ chuối kết hợp với heo ăn chuỗi sẽ giải quyết được vấn đề của cả mảng trồng chuối và mảng chăn nuôi.

Bắt tay với một doanh nghiệp phân phối dược phẩm, thực phẩm chức năng, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã thành lập Công ty Cổ phần BAPI Hoàng Anh Gia Lai cho thương hiệu Heo ăn chuối BAPI với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Đây cũng chính là bước ngoặt của bầu Đức khi chính thức gia nhập thị trường bán lẻ thịt heo trong những tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại vì câu chuyện heo ăn chuối không phải là mới, từ thời ông bà ta đã tận dụng nguồn nguyên liệu này trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng phải khẳng định rằng, sự khác nhau ở đây chính là câu chuyện quy mô sản xuất, bầu Đức tận dụng heo và chuối để quay vòng chuỗi sản xuất của mình. 

Mỗi năm HAGL có khoảng 200.000 tấn chuối thu hoạch không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, chỉ dùng làm phân bón. Thực tế tưởng chừng là lãng phí này đã trở thành điểm mạnh của HAGL sau phát hiện heo ăn chuối của ông Đức. Chính từ đây, HAGL đã tận dụng được loại chuối không xuất khẩu để phơi khô, làm thành bột cho các trang trại heo.  

Ông Đức từng rất tự hào chia sẻ về việc heo do HAGL nuôi hoàn toàn từ các sản phẩm hữu cơ, đó là chuối. Trong mô hình của mình, bầu Đức đã có chiến lược tạo ra thức ăn cho heo từ chuối, kết hợp với đậu nành và ngô. Đặc biệt, heo nái được sử dụng chuối chín để có sữa nhiều và heo thịt sẽ ăn bột chuối, tất cả sản phẩm heo khép kín đều không dùng kháng sinh trong quá trình nuôi mà được thay thế bằng vitamin và thảo dược.

Bắt đầu nuôi heo từ năm 2020, đến nay HAGL đã xây được 7 cụm chuồng với công suất khoảng 400.000 con heo thịt/năm, mỗi năm xuất bán được 30 nghìn con heo thịt và tiêu thụ hơn 28 nghìn tấn cây ăn trái. Trong đó sản lượng chuối xuất khẩu chiếm 12 nghìn tấn và chuối dùng làm thức ăn cho gia súc là 16.000 tấn.

Theo chia sẻ của Bầu Đức trong thư gửi cổ đông về tình hình kinh doanh của công ty trong năm 2022, trong bối cảnh giá thịt heo tháng 12 thấp hơn tháng 11 vì vậy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 12/2022 chỉ đạt khoảng 58% so với tháng 11/2022. Tuy nhiên, so với kế hoạch lãi 1.120 tỷ đồng, kết thúc năm 2022, ước tính HAGL vẫn vượt 5% kế hoạch năm.

Cụ thể, doanh thu thuần cả năm 2022 của HAGL đạt 4.574 tỷ đồng. Trong đó mảng cây ăn trái thu về 2.277 tỷ đồng, mảng chăn nuôi đạt 1.620 tỷ đồng và mảng phụ trợ mang lại doanh thu 677 tỷ đồng.

Năm 2022, HAGL đã tiêu thụ 292.847 con heo thịt và 281.275 tấn trái cây, trong đó chuối xuất khẩu đạt 160.520 tấn và chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc là 120.755 tấn.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thu về là 1.181 tỷ VNĐ, đạt 105% so với kế hoạch đề ra năm 2022 trước đó. Với kết quả trên, lần đầu tiên trong 8 năm HAGL chạm đỉnh lợi nhuận nghìn tỷ đồng.

Hành trình tìm hướng đi trong nông nghiệp

Những ngày đầu khởi nghiệp năm 1993, sau nhiều năm cố gắng ông Đức thành lập Công ty Tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, Công ty này phát triển thành Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), chính thức đặt những dấu mốc trên thị trường với nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình như khoáng sản, cao su, gỗ, địa ốc và bóng đá..

Bước sang năm 2008, khi đang trên đỉnh cao của ngành địa ốc, bầu Đức đem vốn đi đầu tư với ước mơ cao su cùng khẳng định chắc nịch “phải bán nhà cũng trồng cao su”. Nhưng trước khi cây cao su kịp thu hoạch thì giá cao su đã liên tục rớt giá, không còn là 2.500-3.000 USD/tấn như ông dự đoán. Giai đoạn này, ông Đức như rơi xuống "vực sâu", HAGL phải tuyên bố mất thanh khoản. 

Đến năm 2013, ông bầu phố núi đã tuyên bố rút khỏi thị trường bất động sản, chính thức bắt đầu hành trình nông nghiệp của mình từ đây.

Vào thời điểm HAGL đang ngập sâu trong nợ nần, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương đã bắt tay ông Đức bằng việc ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL vào 2 Công ty HAGL Agrico và HAGL Myanmar. Công ty này sẽ chi 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% vốn tại HAGL Agrico và 51% tại HAGL. Sau hơn 1 năm hợp tác, công cuộc tái cơ cấu nợ của ông Dương với doanh nghiệp ông Đức đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Thừa nhận rời bỏ mảng bất động sản để sang nông nghiệp là sai, nhưng bầu Đức cũng cho rằng, trong cái rủi có cái may, nếu còn làm bất động sản thắng hay thua cũng chưa biết, nhưng nông nghiệp đang có hướng đi tốt.

Hồ sơ doanh nghiệp - Đường đến với nông nghiệp “một cây, một con” của bầu Đức (Hình 2).

Ông Đoàn Nguyên Đức trong Lễ ra mắt thương hiệu BAPI.

Bầu Đức đã từng chia sẻ với báo chí rằng: "Ai khi nghe làm nông nghiệp mà đạt được lợi nhuận nghìn tỷ thì không tưởng, nhưng thực tế muốn bao nhiêu cũng được, chỉ sợ một mình mình làm không nổi". 

Đầu năm 2021, bầu Đức đã tự tin tuyên bố: “HAGL lẫn Agrico đã bước ra khỏi vũng lầy nợ nần. Đã có thời tôi là người nợ nhiều nhất nước” sau khi bán lại HAGL Agrico - tức mảng nông nghiệp cho Thaco. Thật vậy, vào những ngày chuẩn bị sang năm 2022, ông Đức cho biết HAGL đã giảm nợ từ 36.000 tỷ xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng. Đáng mừng hơn, mới đây tại Lễ công bố thịt heo BAPI, bầu Đức chia sẻ, hiện nay mức nợ phải trả của HAGL chỉ còn khoảng 8.000 tỷ đồng.

Cụ thể hơn khi nhìn vào những con số “biết nói" trong báo cáo tài chính mới công bố của HAGL. Theo đó, doanh thu thuần trong quý III của doanh nghiệp đạt đạt 1.441 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ trái cây và bán heo đóng góp phần lớn cho cơ cấu doanh thu với tỉ lệ lần lượt 40% và 37%. 

Đáng chú ý, chi phí tài chính của công ty giảm mạnh từ 692 tỷ đồng trong quý III/2021 xuống chỉ còn 166 tỷ đồng vào quý III năm nay. Nguyên nhân là do trong quý HAGL đã hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư vào nhóm Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG) so với cùng kỳ năm 2021.

Trước đó vào đầu tháng 9, sau khi tách bạch nghĩa vụ trả nợ BIDV với HAGL Agrico, CTCP Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức thông báo mua lại 605 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2016.

Nhờ khoản hoàn nhập dự phòng trên từ HNG, lợi nhuận sau thuế của HAGL được nâng lên 360,7 tỷ đồng, vượt hẳn so với mức lãi 23 tỷ đồng vào cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 9, dư nợ phải trả của HAGL là 14.403 tỷ đồng, tăng gần 5%. Vốn chủ sở hữu công ty của bầu Đức ghi nhận ở mức 4.934 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 4.673 tỷ đồng tại thời điểm đầu kỳ.

Lời khẳng định của ông bầu sau một thập kỷ lao đao

Từng chia sẻ về mảng chăn nuôi heo, bầu Đức khẳng định sự tự tin của mình: “HAGL sẽ làm mảng heo mạnh hơn những gì báo cáo”.

Trong Nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, công ty HAGL đã đưa ra kế hoạch trồng thêm 2.000 ha chuối, nâng tổng diện tích chuối lên 7.000 ha. Đối với mảng chăn nuôi, HAGL dự kiến xây dựng mới 9 cụm chuồng nuôi heo với công suất lên tới 1 triệu con/năm. Như vậy, HAGL sẽ nâng tổng số cụm chuồng trại lên thành 16 cụm với công suất mỗi cụm chuồng trại cung cấp 2.400 con heo hái và 60 nghìn con heo thịt.

Có thể thấy, ông Đoàn Nguyên Đức đang thực sự đẩy mạnh việc phát triển không chỉ mảng chăn nuôi heo mà còn nâng cao diện tích trồng chuối. Không chỉ phát triển về số lượng, vấn đề chất lượng cũng được vị doanh nhân này đề lên hàng đầu qua chuỗi sản xuất khép kín và dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi heo.

Từ những thành công bước đầu, được thị trường ghi nhận với thương hiệu heo ăn chuối, ông Đức dự tính sẽ mở 200 cửa hàng BAPI heo ăn chuối trên toàn quốc từ nay đến cuối năm. Cùng với đó, công ty sẽ ra mắt ứng dụng bán hàng trực tuyến với mục tiêu đáp ứng được lượng đơn đặt hàng online lớn.

Hồ sơ doanh nghiệp - Đường đến với nông nghiệp “một cây, một con” của bầu Đức (Hình 3).

Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức trong chuyến dẫn cổ đông lớn đi tham quan dự án của tập đoàn tại Việt Nam, Lào, Campuchia mới đây.

Ngoài ra, HAGL đang nuôi thí điểm hơn 100 nghìn con gà tại tỉnh Gia Lai nhằm mục đích dự định sẽ ra mắt dòng gà đi bộ ăn chuối trong thời gian sắp tới. Với dự định trên, HAGL hướng tới tầm nhìn đưa ra thị trường cung ứng 1 triệu heo ăn chuối và 5 triệu con gà đi bộ ăn chuối cũng như xây dựng nhà máy chế biến thịt mang thương hiệu riêng của mình.

Phát biểu trong Lễ ra mắt thương hiệu BAPI, bầu Đức khẳng định với heo ăn chuối và gà đi bộ ăn chuối, HAGL đã thoát nạn và bước sang trang mới tươi sáng. Bên cạnh đó, ông Đoàn Nguyên Đức cũng nhấn mạnh thêm: “Nợ thì vẫn còn nhưng so với công ty thì không là vấn đề”. 

Năm 2023, HAGL đặt mục tiêu nuôi 1 triệu con heo ăn chuối, 10 triệu con gà đi bộ ăn chuối. Với những dự định trên, bầu Đức dự kiến lợi nhuận trong năm 2023 sẽ tăng gấp 3-4 lần so với năm 2022.

Không thể tránh khỏi nghi ngờ về tương lai sắp tới, nhưng có thể thấy, bầu Đức đang dần khẳng định những tín hiệu khởi sắc về tình hình kinh doanh và số nợ liên tục giảm sau khi tìm được lối đi sau một thập kỷ loay hoay.

Bầu Đức và những câu nói thay đổi chiến lược nông nghiệp

2014: Cao su: “Bán nhà cũng phải trồng cao su”.

2016: Chăn nuôi bò: “Không có bò thì chúng tôi cũng... bò luôn”.

2020: Cafe: “Các bạn cứ tin tưởng cà phê chúng tôi sản xuất ra là hoàn toàn sạch, hoàn toàn chất lượng. Thậm chí nếu kiểm tra ở bất kỳ đâu phát hiện cà phê Ông Bầu là dỏm thì cứ kêu ông Đức ra mà chửi".

2021: Bất động sản: “Năm 2008, tôi dám khẳng định Hoàng Anh Gia Lai là công ty bất động sản số một. Nhưng mỗi người mỗi quyết sách, tôi từ bỏ lĩnh vực này năm 2012 để làm nông nghiệp. Đến bây giờ, tôi khẳng định mình đã sai".

2022: Trồng chuối: “Tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất”.

          Heo ăn chuối: “Lúc phát hiện ra con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được”.