Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, từ ngày 8 đến 11-6, các tỉnh, thành Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang có mưa rất lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Ngập úng, ách tắc nhiều nơi
Mưa lũ, sạt lở đất làm 3 người chết tại tỉnh Hà Giang; 2.407 căn nhà ngập nước; 2.424 ha lúa và hoa màu bị ngập úng; 157 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 513 con gia súc bị chết, cuốn trôi. Mưa, lũ đã làm nhiều điểm bị sạt lở, ngập lụt với tổng khối lượng trên 21.400 m3 đất, đá, bê-tông. Các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.
Tại Hà Giang, từ tối ngày 8 đến sáng 10-6, mưa rất lớn. Lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi trên 400 mm, gây sạt lở đất, ngập úng nhiều nơi từ 1 - 1,7 m, thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng, sạt lở nặng nề... Tổng thiệt hại trên 24 tỉ đồng.
TP Hà Giang có trên 30 điểm ngập úng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Huyện Vị Xuyên có 7 cầu treo, cầu đập tràn tại các xã bị ảnh hưởng, hư hỏng; nhiều tuyến đường bị ngập úng, chia cắt cục bộ. Huyện Hoàng Su Phì có 5 tuyến đường, 41 vị trí sạt lở với tổng khối lượng 2.480 m3, làm ách tắc một số đoạn ô tô không lưu thông được.
Tại huyện Mèo Vạc, do tuyến đường chính xuống sông Nho Quế vào 3 xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ đang được thi công xây dựng, mưa lớn đã khiến tuyến đường bị chia cắt; đất, đá sạt lở từ núi xuống mặt đường nhiều, khe suối ngập sâu khiến một số du khách và người dân địa phương bị mắc kẹt.
Mưa lũ diện rộng khiến trên 1.200 ngôi nhà thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó riêng TP Hà Giang có gần 1.000 nhà bị ngập úng, nước tràn vào nhà. Nước lên nhanh cũng khiến hàng trăm ô tô, xe máy của người dân bị ngập nước, hư hỏng. Theo người dân, đây là trận mưa, lũ lớn nhất trong 30 năm qua tại địa phương này.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số khu vực, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, yêu cầu các địa phương trong tỉnh tăng cường bám, nắm kỹ địa bàn, kiên quyết di dời các hộ dân sống trong vùng nguy cơ ngập úng, lũ quét sạt lở đất đến nơi ở an toàn, giúp người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Các ngành chức năng chủ động triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho công trình, nhà máy; kịp thời huy động máy móc khắc phục tại các điểm sạt lở bảo đảm cho giao thông thông suốt. Bên cạnh đó, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách và phương tiện khi tới Hà Giang.
Tại TP Hải Phòng, trong ngày 9-6 giao thông ở nội thành hầu như ngưng trệ, nước cống dềnh lên đẩy ngược qua các cửa ga kết hợp nước mặt tràn vào nhà dân làm hư hại nhiều đồ đạc, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt của người dân. Đến trưa 10-6, hệ thống thoát nước của Hải Phòng cũng chưa thể tiêu thoát bình thường; nhiều khu phố, ngõ ngách và nhà dân vẫn bị ngập nước.
Ở tỉnh Quảng Ninh, mưa lớn kết hợp triều cường khiến nhiều khu vực trên địa bàn úng ngập. Trên các sông đã xuất hiện lũ. Một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là TP Uông Bí, mưa và lũ tràn về khiến nhiều khu vực ngập rất sâu. Đây là đợt mưa lớn diện rộng được đánh giá là lớn nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây xảy ra trên địa bàn, gây thiệt hại về tài sản khoảng 5 tỉ đồng.
Lượng mưa vượt giá trị lịch sử
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng Phòng Dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết một số nơi ở Quảng Ninh đã ghi nhận lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử, như tại Quảng Hà: 367 mm, vượt giá trị lịch sử trong 21 năm; Tiên Yên: 334 mm, vượt giá trị lịch sử trong 23 năm; Bãi Cháy: 307 mm, vượt giá trị lịch sử trong 21 năm. Tương tự, tại Phù Liễn (Hải Phòng) lượng mưa 228 mm, vượt giá trị lịch sử trong 45 năm qua. Đây là các trận mưa ghi nhận được trong ngày 9-6.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ đêm 8 đến ngày 10-6, các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ đã xuất hiện mưa lớn với 2 tâm mưa.
Tâm mưa ở Đông Bắc Bộ, cụ thể là Quảng Ninh, Hải Phòng; lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm, có nơi như Quảng Hà và Móng Cái xấp xỉ 400 mm. Tâm mưa ở Hà Giang phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi trên 400 mm. Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang và một số nơi ở vùng núi phía Bắc.
Ông Hưởng cho biết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã cảnh báo tương đối sớm về đợt mưa lớn diện rộng này và cảnh báo những điểm mưa cục bộ có thể trên 300 mm.
"Đợt mưa lớn xuất hiện vừa qua không phải bất thường, do trong tháng 6 khu vực Bắc Bộ vẫn đang trong giai đoạn chuyển mùa và chịu tác động của những đợt không khí lạnh có khả năng gây mưa lớn" - ông Hưởng đánh giá.
Cơ quan khí tượng nhận định từ khoảng ngày 14 đến 17-6, Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng, trong đó có thể xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ cường suất cao từ 100 - 150 mm/24 giờ; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu tại các vùng trũng thấp, ngập úng cục bộ tại đô thị. Vì vậy, các địa phương cần chủ động thực hiện các phương án ứng phó, theo dõi sát các bản tin dự báo, cảnh báo.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 10-6, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã có văn bản khuyến cáo chính quyền các địa phương trong tỉnh phải bảo đảm an toàn cho hoạt động du lịch và an toàn du khách, đồng thời tạm dừng và thay đổi phù hợp những hoạt động du lịch gây mất an toàn cho du khách trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Cơ quan này cũng khuyến cáo du khách hạn chế đi lại các khu vực sạt lở tại các cung đường, điểm, khu vực tham quan du lịch trên địa bàn. Đặc biệt cảnh báo và không cho khách tắm thác, suối, không tham gia hoạt động du thuyền lòng hồ thủy điện gây mất an toàn...
Tuyệt đối không chủ quan
Để ứng phó với thiên tai và khắc phục hậu quả do mưa lũ, Thủ tướng đã có Công điện gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phía Bắc, yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định đời sống cho dân.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tiếp tục rà soát, di dời, sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.