Nông nghiệp cần bứt phá mạnh mẽ hơn

Admin
Ngành nông nghiệp cần gắn sản xuất với thị trường, đẩy mạnh công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch

Sáng 13-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).

Các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành nông nghiệp với quyết tâm cao đã thực hiện đồng bộ các giải pháp và đổi mới tư duy để vượt qua khó khăn. Toàn bộ 6/6 chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,22 tỉ USD (Chính phủ giao 50 tỉ USD), thặng dư thương mại 8,5 tỉ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của nền kinh tế…

Tuy vậy, trước thực trạng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại, quy mô, sản lượng nhiều ngành hàng dần chạm ngưỡng, theo bộ trưởng, cần tìm kiếm cơ hội mới, không gian phát triển mới. 

Đồng thời, để hạn chế rủi ro thị trường xuất khẩu khi gặp tình huống bất thường, thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng cần được quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp (DN), HTX, nông dân cũng cần quan tâm đầu tư các dòng sản phẩm chinh phục nhu cầu người tiêu dùng, tự tin khẳng định niềm tin về chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt.

Nông nghiệp cần bứt phá mạnh mẽ hơn - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng giới thiệu về sản phẩm của nông nghiệp tại hội nghị. Ảnh: THẾ NGUYỄN

Đại diện 2 hiệp hội ngành hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất ngành nông nghiệp, vượt 10 tỉ USD trong năm 2022 cũng đã có nhiều kiến nghị để duy trì được tăng trưởng trong năm 2023.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản đang gặp nhiều thách thức khi đơn hàng sụt giảm, nhiều DN phải cho công nhân làm xoay ca. 

"Cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách tốt trong năm 2022 đã giúp DN hồi phục để tạo dư địa cho tăng trưởng năm 2023. Tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, hạ lãi suất cho vay… để quý II/2023 ngành thủy sản có thể hồi phục" - Phó Tổng Thư ký VASEP đề nghị.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết ngành gỗ xuất khẩu năm 2022 khó khăn chưa từng có trong 15 năm qua dù đạt kim ngạch tới 17,1 tỉ USD, tăng 7,1% so với 2022. Mục tiêu của năm 2023 tăng trưởng từ 7%-9%, giá trị xuất khẩu từ 18 tỉ USD trở lên. 

"Từ những khó khăn, ngành gỗ đã nhận ra một số điểm yếu cần khắc phục như chưa nắm được thị trường, bị động khi thị trường thay đổi. Ví dụ thời gian qua, các DN gỗ của Trung Quốc tại Việt Nam vẫn hoạt động bình thường nhờ có kênh tiêu thụ tại EU, Mỹ trong khi DN Việt chưa tham gia sâu vào chuỗi. Thị trường Bắc Mỹ, châu Âu đang có tín hiệu tốt, hy vọng từ quý II/2023 đơn hàng sẽ phục hồi 80%-85% so với cùng kỳ và các tháng cuối năm sẽ khởi sắc trở lại" - ông Lập kỳ vọng.

Cần gắn sản xuất với thị trường

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2022. Phân tích thêm về mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2022, Thủ tướng cho biết con số 3,36% là mức tăng trưởng cao nhất của nông nghiệp Việt Nam những năm vừa qua trong một hoàn cảnh khó khăn. 

"Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân đủ ăn đủ mặc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không những thế, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản còn đạt hơn 53 tỉ USD, qua đó đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả" - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng đánh giá Bộ NN-PTNT đã thực hiện tốt việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý ngành nông nghiệp cần gắn sản xuất với thị trường, phải nắm sát thị trường, thị hiếu và biến chuyển tiêu dùng để sản xuất sản phẩm. 

Đồng thời, đẩy mạnh công tác chế biến, đóng gói bao bì và bảo quản sau thu hoạch xây dựng theo chuỗi giá trị gia tăng để nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân. Thủ tướng mong ngành tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2023. 

Phấn đấu xuất khẩu khoảng 55 tỉ USD

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tăng trưởng khoảng 3,5%; xuất khẩu khoảng 55 tỉ USD; tỉ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn khoảng 60%.