Tổng Công ty đường cao tốc nói gì về việc bất ngờ tăng phí?

Admin
TPO - Từ ngày 1/1/2023, chính sách giảm 2% thuế VAT cho chủ phương tiện đi cao tốc hết hiệu lực. Thay vì đưa mức phí về như thời điểm chưa giảm, mức phí mới của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gây bất ngờ khi không hề có thông báo nào tới các chủ phương tiện.

Gần đây, nhiều tài xế sử dụng các tuyến cao tốc do VEC quản lý phản ánh, mức phí mới các tuyến cao tốc này thu của chủ xe từ ngày 1/1/2023 tăng bất thường. Các chủ xe đều hiểu từ thời điểm này thuế VAT không còn được giảm 2% (từ 10% xuống 8% như năm 2022), nhưng khi hết giảm thuế mức phí mới lại cao hơn cả thời điểm chưa giảm thuế.

Cụ thể, phương tiện xe con lưu thông toàn tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình trước khi giảm thuế VAT là 105.000 đồng/lượt, sau khi giảm thuế còn 103.000 đồng/lượt, nhưng từ ngày 1/1/2023 lại tăng đột ngột lên 110.000 đồng/lượt.

Tương tự với tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, trước đây chủ xe con đi đoạn Long Phước - Dầu Giây là 100.000 đồng/lượt, sau khi giảm thuế VAT còn 98.000 đồng/lượt, nhưng từ ngày 1/1/2023 bất ngờ tăng lên 102.000 đồng/lượt.

Điều chỉnh cước trên của VEC không thông báo rộng rãi và cũng khác với giá niêm yết tại các trạm thu phí, khiến nhiều chủ xe thắc mắc, bức xúc, cho rằng VEC nhầm lẫn trong điều chỉnh cước trở lại sau khi hết giảm thuế.

Chiều 4/12, thông tin về mức cước mới trên, VEC cho hay, từ ngày 1/1/2023, chính sách giảm 2% thuế VAT không còn được áp dụng, nên công ty điều chỉnh tăng thuế về lại mức 10% tại các tuyến cao tốc đang thu phí, gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Bên cạnh đó, mức phí mới cũng được điều chỉnh tính tới số lẻ, thay vì làm tròn như trước đây dùng tiền mặt.

Tổng Công ty đường cao tốc nói gì về việc bất ngờ tăng phí? ảnh 1

VEC điều chỉnh mức phí các tuyến cao tốc khi chưa thông báo rộng rãi.

VEC lý giải, đơn vị được thu phí tính theo km, khi thu phí bằng tiền mặt (thu phí thủ công) việc thu số tiền lẻ sẽ phiền hà và mất nhiều thời gian cho cả nhân viên thu phí lẫn chủ phương tiện, nên mức phí được thu theo phương thức làm tròn. Đơn vị này dẫn ví dụ mức phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn Đại Xuyên - Cao Bồ với xe con tính đúng là 75.045 đồng/lượt được làm tròn là 70.000 đồng/lượt, tương tự với các cao tốc khác…

Tuy nhiên, hiện toàn bộ các tuyến cao tốc đều thu phí tự động không dừng, công nghệ có thể tính toán, xử lý nhanh chóng để thu phí với cả số tiền lẻ. “VEC chỉ thực hiện làm tròn các mệnh giá cước phí đến hàng nghìn đồng. Việc thay đổi về nguyên tắc tính trên, dẫn đến có một số thay đổi nhỏ giữa giá niêm yết trước đây và giá hiện tại”, VEC cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục Đường bộ cho hay, các dự án cao tốc của VEC quản lý có cơ chế quản lý thu phí khác với các dự án BOT khác. Theo đó, trong phạm vi nhất định, hội đồng quản trị của VEC được quyền quyết định điều chỉnh. Cục có trách nhiệm giám sát là chính, cụ thể hơn phải hỏi VEC và Ủy ban quản lý vốn nhà nước (cơ quan đại diện vốn nhà nước tại VEC).