Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Bài 2: Kết nối thị trường

Admin
Bằng kinh nghiệm ứng phó với khó khăn trong 2 năm xảy ra dịch bệnh trước đó, các hiệp hội ngành hàng đã nhanh chóng thực hiện các hội chợ triển lãm chuyên ngành nhằm quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến khách hàng trong và ngoài nước, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh mới.

Bên cạnh đó, các đơn vị hỗ trợ xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương cũng đẩy mạnh hoạt động kết nối thị trường, chú trọng đến các khu vực nhiều dư địa cho hàng Việt.

Quảng bá ngành hàng

Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các hiệp hội ngành hàng đã đẩy mạnh chuỗi hoạt động hội chợ triển lãm chuyên ngành nhằm kết nối khách hàng và tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh mới. Điển hình như Tuần lễ giao thương quốc tế Vietnam Furniture Matching Week 2022; Hội chợ triển lãm quốc tế Thuỷ sản Vietfish, Hội chợ quốc tế Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh…

Tận dụng mùa mua hàng của các hệ thống phân phối quốc tế, giữa tháng 4/2022 Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Tuần lễ giao thương quốc tế ngành gỗ và nội thất (Vietnam Furniture Matching Week 2022). Đây là một trong những sự kiện lớn và quan trọng nhất của ngành gỗ và nội thất Việt Nam trong năm 2022.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch (HAWA) cho biết, trong suốt thời gian dịch bệnh COVID-19, việc kết nối giao thương trực tiếp bị gián đoạn, do đó khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt, Vietnam Furniture Matching Week 2022 nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp nội địa lẫn quốc tế, nhất là đội ngũ mua hàng đến từ rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Tuần lễ quy tụ được hơn 800 đại diện đến từ hơn 450 đơn vị trong ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Tuần lễ giao thương quốc tế không chỉ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nội thất và thủ công mỹ nghệ Việt Nam mở rộng tìm kiếm khách hàng ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa mà còn tạo ra các kết nối giao thương trong cả hệ sinh thái nội thất để doanh nghiệp có thể tiếp cận cả những dịch vụ phụ trợ, vận chuyển, kiểm định… tốt nhất trong chuỗi cung ứng ngành.

Trong khi đó, bà Tracy Trần, Đại diện mua hàng của Mitchell Gold + Bob Williams tại Việt Nam chia sẻ: Vietnam Furniture Matching Week là sự kiện giao thương được nhiều nhà mua hàng quốc tế mong đợi bởi tính hiệu quả. Thêm vào đó, việc trao đổi trong các sự kiện giao thương trực tiếp kết hợp nền tảng trực tuyến tạo cơ hội để nhà sản xuất và người mua hàng nắm bắt được nhu cầu, năng lực của nhau, từ đó dễ dàng đi tới các thoả thuận hợp tác cung ứng.

Cũng như ngành gỗ, sau 2 năm gián đoạn, Hội chợ Triển lãm Thủy sản VietFish 2022 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) tổ chức đã trở lại vào tháng 8/2022 với mục tiêu trở thành “Điểm đến kết nối chất lượng”.

VietFish trở lại đã đem đến một sân chơi chuyên nghiệp, quy mô quốc tế cho các nhà cung cấp, đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản cùng gặp gỡ, giới thiệu các sản phẩm mới, công nghệ mới, hợp tác sản xuất, xuất khẩu.

Tháng 10/2022, lần đầu tiên Triển lãm quốc tế ngành lương thực, thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh được tổ chức với quy mô hơn 240 gian hàng, gần 300 doanh nghiệp tham gia trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đa dạng. Ngoài các doanh nghiệp Việt Nam, triển lãm còn có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Đức, Pháp, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Campuchia… Triển lãm cũng dành không gian cho doanh nghiệp “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội quảng bá các sản phẩm mới, tiếp cận thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho rằng, triển lãm quốc tế ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh 2022 là một sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng mang tính chiến lược của thành phố, của Hội Lương thực Thực phẩm và là một phần không thể thiếu trong các hoạt động hợp tác kinh doanh ngày càng gia tăng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm Việt Nam mở rộng các hoạt động kết nối giao thương; giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Đây cũng là nơi các doanh nghiệp đang hoạt động trong tất cả phân khúc chuỗi giá trị của ngành lương thực thực phẩm trong và ngoài nước có thể tập hợp cùng nhau để thảo luận, trao đổi ý kiến và thiết lập các mối quan hệ hợp tác lâu dài.

Khai thác thị trường tiềm năng

Khi các thị trường xuất khẩu truyền thống gặp khó khăn, các đơn vị hỗ trợ như Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) đã tích cực chuyển hướng kết nối với các thị trường trong khu vực, các thị trường ngách để tận dụng các thế mạnh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cũng như khai thác dư địa các thị trường ngách…

Nhận định nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản hiện đang rất lớn chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần, năm 2022 ngoài tuần lễ kết nối với thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống siêu thị AEON, ITPC còn tổ chức kết nối trực tiếp doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp tỉnh Osaka nhằm tăng cường thương mại các sản phẩm ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm.

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty AEON Topvalu Việt Nam, cho biết Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với nhu cầu nhập khẩu ngày càng cao, đặc biệt là các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng như dệt may, dày dép, thủy sản, nông sản, thực phẩm, đồ nhựa, gỗ…

Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất. Đặc biệt, AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đang ưu tiên nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam thuộc 4 nhóm sản phẩm dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe để phân phối đến hệ thống các cửa hàng, siêu thị của AEON trên toàn cầu.

Trong khi đó, bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka cho biết, hiện tại thị trường Nhật Bản đang có xu hướng tìm nguồn cung cấp thay thế rất nhiều sản phẩm mà trước đến nay họ chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Khu vực mà các nhà nhập khẩu Nhật Bản hướng đến là các nước Đông Nam Á; trong đó trọng tâm là Việt Nam. Nhóm sản phẩm mà Nhật Bản có nhu cầu khá đa dạng, có thể kể đến một số các sản phẩm Việt Nam đang có rất tiềm năng như thực phẩm chế biến, nông sản, trái cây, các sản phẩm từ bún gạo, thủy sản.

Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Bài 2: Kết nối thị trường - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tới khách hàng tiềm năng tại VietFish 2022.

Thị trường các nước Hồi giáo cũng được đánh giá là khu vực thị trường nhiều dư địa dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC nhận định, thị trường Hồi giáo là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh, người Hồi giáo chiếm tỷ lệ đa số ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Brunei, Pakistan, Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và các nước Trung Đông khác, tuy nhiên chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn theo luật Hồi giáo (Halal).

Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người theo Hồi giáo mà còn vì nhiều người không theo đạo Hồi nhưng vẫn ưa thích các sản phẩm đạt chuẩn Halal. Chính vì vậy, ITPC thường xuyên kết nối giao thương với các thị trường Halal như Malaysia, Indonesia, khu vực Trung Đông…

Ngoài ra, các khu vực thị trường khác như các Mỹ Latinh, các thị trường ngách thuộc khu vực Bắc Âu cũng được Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương kết nối, tăng cường thông tin về nhu cầu, tiềm năng và hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn để khai thác hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn thị trường ngách là một quyết định phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ trong tình hình cạnh tranh khốc liệt. Giải pháp này càng phù hợp hơn trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp vô vàn khó khăn, thách thức như hiện nay. Thị trường ngách sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí truyền thông quảng bá sản phẩm, ít phải đối mặt với sự cạnh tranh, trong khi có thể gia tăng khả năng thành công với mức độ rủi ro thấp.